Sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Honda ô tô Thái Nguyên có chối bỏ trách nhiệm với khách hàng?” đã có rất nhiều độc giả quan tâm theo dõi, chia sẻ và bình luận. Để đảm bảo tính khách quan và đa chiều, chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến của độc giả và luật sư về vấn đề này.
Trên Fanpage Facebook của Báo Thái Nguyên, tài khoản Tuan Van bình luận: Một doanh nghiệp lớn không nên đổ lỗi cho cá nhân trục lợi, mà hãy giải quyết khắc phục vấn đề; nói trục lợi do hành vi cá nhân thì vai trò quản lý của Honda là gì (?).
Tài khoản Phạm Thanh Tuấn chia sẻ: Honda phải có trách nhiệm vì đã quản lý không chặt chẽ khiến nhân viên trục lợi, lừa đảo khách hàng.
Một tài khoản khác ghi: Honda nhận người vào làm, giao cho họ bán hàng và quản lý thì Honda phải chịu trách nhiệm với khách hàng…
Trên các nhóm, tài khoản cá nhân khác cũng có nhiều ý kiến thể hiện quan điểm của nhiều độc giả quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, tài khoản Nguyễn Tiến Thịnh bình luận: Vấn đề chuyển khoản cá nhân mà không có giấy tờ gì liên quan thì đúng là Công ty không liên quan thật. Công bằng là như thế. Nhưng với cương vị là giám đốc mà làm như thế thì Honda cũng nên có trách nhiệm về việc quản lý của mình. Làm gì có chuyện một hãng ô tô mà giám đốc chi nhánh có dấu hiệu phạm tội lại không có động thái bảo vệ khách hàng.
Tài khoản Liễu Văn Tuấn bày tỏ: Đây là hành vi trục lợi của nhân viên khi chiếm đoạt số tiền cọc của khách hàng, chứ Honda đâu có bảo nhân viên làm vậy. Mình là khách từng mua xe nhưng không chuyển qua tài khoản của nhân viên như bao khách hàng khác mà đem tiền lên thẳng phòng kế toán nộp và xuất hoá đơn đợi ngày lấy xe. Đây cũng là kinh nghiệm và bài học cho những ai mua xe sau này ở bất cứ hãng nào.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại ngày 7-9, Honda ô tô Thái Nguyên chưa có ý kiến phản hồi về bài viết “Honda ô tô Thái Nguyên có chối bỏ trách nhiệm với khách hàng?”.
Đại diện một công ty tư vấn luật trên địa bàn T.P Thái Nguyên cho rằng: Các biên bản đặt cọc xe không đảm bảo giá trị về mặt pháp lý. Việc chuyển tiền giữa khách hàng vào tài khoản cá nhân của nguyên Giám đốc Đại lý Honda ô tô Thái Nguyên có dấu hiệu lỗi hỗn hợp (tức là lỗi từ cả hai phía). Bên tư vấn bán hàng rõ ràng cố ý làm sai quy định của công ty. Còn khách thì thiếu hiểu biết, chưa hề ký hợp đồng đã chuyển tiền mua xe. Nếu đủ hiểu biết hoặc được tư vấn đầy đủ thì chắc chắn không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.
Dư luận hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò, trách nhiệm của Honda ô tô Thái Nguyên với sai phạm nêu trên. Có ý kiến của luật sư cho rằng, Honda ô tô Thái Nguyên có liên quan; còn trách nhiệm tới đâu phụ thuộc vào việc xác minh một số yếu tố, như: Honda ô tô Thái Nguyên có lỗi gì trong việc để xảy ra sai phạm? Lỗi đó có nhận thức được không? Và có được quy định trong các văn bản nội bộ của doanh nghiệp không?.
Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt ra vấn đề, ngoài sai phạm của cá nhân ông Đỗ Anh Phong thì có những ai liên đới; cơ chế giám sát, quản lý của Honda ô tô Thái Nguyên có bất cập gì?. Bởi một doanh nghiệp lớn, có quy định quản lý rất chặt chẽ thì không thể để xảy ra sai phạm trong thời gian dài như vậy.
Những vấn đề dư luận quan tâm sẽ được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh lại là, Honda ô tô Thái Nguyên cần chủ động phối hợp và có giải pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, cũng là tự bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp.
Công an tỉnh đang thụ lý giải quyết vụ việc, Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả hoặc diễn biến mới...