Hình thức vay tiền qua các ứng dụng điện tử (còn gọi là app) ngày càng phổ biến. Thủ tục thuận tiện, người vay chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại di động, đăng ký và gửi yêu cầu vay, trong thời gian vài giờ là tiền sẽ được chuyển về tài khoản cả nhân. Cũng vì đơn giản như vậy nên nhiều người đã vướng vào bẫy lãi suất cao hoặc bị lộ lọt thông tin cá nhân, bị kẻ xấu lợi dụng làm phiền trong thời gian dài.
Mới đây, anh N.A.T, ở tổ 2, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) đã bức xúc đăng lên trang Facebook cá nhân của mình về việc liên tục bị làm phiền. Theo đó, các đối tượng gọi điện trực tiếp hoặc đăng tải lên mạng xã hội, khẳng định anh N.A.T nợ số tiền hơn 46 triệu đồng đã quá hạn từ lâu.
Không chỉ hình ảnh cá nhân bị cắt ghép, số điện thoại và thông tin người thân của anh cũng bị đưa lên mạng khiến cuộc sống đảo lộn. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu anh N.A.T bị làm phiền, bản thân đã làm đơn trình báo lên cơ quan công an nhưng không hiệu quả.
Anh T. thừa nhận: Trước đây từng có lần vay tiền qua app nhưng đã hoàn trả đầy đủ. Có thể trong quá trình chụp ảnh chân dung kèm chứng minh nhân dân để làm một số thủ tục trực tuyến thì bị kẻ xấu chiếm đoạt để phục vụ mục đích xấu.
Một trường hợp khác, chị H.T.V, ở xã Phục Linh (Đại Từ) mới đây cũng phản ánh bị nhiều số điện thoại lạ gọi làm phiền. Lý do là một người quen của chị có vay số tiền 2 triệu đồng qua app, đến nay tổng tiền nợ gốc và lãi phát sinh đã thành 7,5 triệu đồng mà chưa hoàn trả.
Có tên trong danh bạ của người vay, chị V. bị gọi điện hăm dọa, rồi bịa đặt nhiều thông tin thất thiệt đăng lên lên mạng xã hội. “Dù bản thân không vay, cũng không hề liên quan nhưng cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi chưa hiểu vấn đề, các thành viên trong gia đình còn mâu thuẫn, cãi nhau đến mức tưởng như không hàn gắn được” - chị H.T.V bức xúc nói.
Thực tế, hình thức vay tiền trực tuyến qua app đã xuất hiện từ lâu, có nhiều cảnh báo về bẫy lãi suất “trên trời” và phiền toái liên quan nhưng nhiều người vẫn mắc phải.
Một cán bộ Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Lợi dụng bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động khó khăn, có nhu cầu vay tiền trang trải cuộc sống hoặc tìm việc trực tuyến nên các app cho vay, lừa đảo trực tuyến có xu hướng gia tăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết nạn nhân của app tín dụng online đều sập bẫy bởi cùng một thể thức là thủ tục vay rất đơn giản. Cụ thể, sau khi tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp chân dung và căn cước/chứng minh nhân dân…, app yêu cầu người vay cho phép truy cập danh bạ và ảnh cá nhân trước khi được phê duyệt. Nhiều người lầm tưởng đó chỉ là thủ tục xác minh nhân thân nhưng thực tế đó là hình thức chiếm đoạt thông tin để khủng bố, gây áp lực đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp liên quan khi thu hồi nợ.
Theo khuyến các chuyên gia, hình thức vay tiền qua app không có cơ sở pháp lý chắc chắn, việc cho vay không có bất kỳ cơ quan nào quản lý nên tiềm ẩn rủi ro rất cao cũng như các tranh chấp phát sinh.
Do vậy, người dân có nhu cầu vay tiền nên đến ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả.
Quan trọng là mỗi người cần nâng cao ý thức, cẩn thận với các giấy tờ và thông tin cá nhân, không nên để lộ cho bất cứ ai vì điều đó có thể khiến bản thân trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo, bị làm phiền hoặc bắt phải chịu trách nhiệm với những khoản vay “trên trời rơi xuống”.