Ma trận “cạm bẫy” online (kỳ 3): Mộng ảo làm giàu trên mạng - đầu tư mang tính cờ bạc

12:45, 04/12/2021

Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh đang điêu đứng, người lao động mất việc, thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh thì các sàn giao dịch được quảng cáo là mang lại cho người chơi lợi nhuận từ vài chục đến cả trăm phần trăm vẫn xuất hiện ồn ào. Nhiều người "lao" vào đầu tư và chỉ dừng lại khi đã “cháy túi”, không thể vay mượn thêm hoặc nhận ra bản thân bị lừa.

“Nhà đầu tư” chuốc đắng

Thủ tục dễ dàng, thanh khoản cao, bảo lãnh tiền vốn lên tới 100%, lợi nhuận thu về hàng ngày... đó là những lời quảng cáo “mật ngọt” mà các đối tượng trên các sàn đầu tư tài chính trên mạng Internet dùng để lôi kéo người tham gia.

Từ tháng 9-2021, chị H.T.X, sinh năm 1989, ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) tham gia kinh doanh qua mạng Internet. Hình thức là uỷ thác vốn cho Công ty Eslite để theo cược tại trang web: https://ploutosnet.com, với cam kết lãi suất đạt trên 300 nghìn đồng/ngày, phí lợi nhuận trả công ty 30%; vốn khởi điểm là 10 triệu đồng/tài khoản. Do tin lời quảng cáo nên chị X. đã mở 2 tài khoản, từ tháng 9 đến đầu tháng 11-2021, chị nạp tổng cộng 152 triệu đồng nhưng mãi vẫn không nhận được thông báo rút lãi. Biết mình bị lừa, ngày 9-11, chị X. đã trình báo cơ quan Công an.

Cũng xuất phát từ nhu cầu kiếm tiền online, cuối tháng 8-2021, chị N.T.H vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm các trang giới thiệu việc làm. Sau đó, chị nhận được một đường link gửi vào Zalo với nội dung mời tham gia ứng dụng kiếm tiền online trên sàn CoiNex; cùng hướng dẫn cách cài ứng dụng trên điện thoại di động, đăng ký tài khoản, nạp tiền và tham gia các gói nhiệm vụ, với cam kết 100% hoàn thành nhiệm vụ và nhận phần thưởng.

Ban đầu, với số tiền đầu tư ít, khi hoàn thành các nhiệm vụ, chị H. nhận được tiền gốc và thưởng theo đúng như lời quảng cáo. Tuy nhiên, khi chị H. nạp số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, ứng dụng liên tục báo lỗi, yêu cầu nạp thêm tiền để nhận khoản gốc và tiền thưởng trước đó. Nhưng càng nạp, chị H. càng bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn, với tổng cộng gần 1 tỷ đồng.

Thêm một ví dụ nữa, vào tháng 9-2020, chị N.T.M.T, sinh năm 1992, ở phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) có nhờ người quen giới thiệu tham gia đầu tư tài chính do tổ chức Lion Group đại diện theo hình thức ngoại hối Forex; lợi nhuận cam kết hàng tháng từ 20-25%. Tháng 10-2020, chị T. bắt đầu đầu tư với số tiền 23,7 triệu đồng (tương đương 1.000USD). Tính đến tháng 2-2021, chị đã nạp tổng cộng gần 214 triệu đồng, nhưng sau đó không truy cập được vào trang web, liên lạc với người môi giới đòi lại tiền cũng không được.

Được biết, thời gian qua, Lion Group có nhiều hoạt động quảng cáo về các giao dịch forex (ngoại tệ, vàng, tiền ảo). Người chơi chỉ việc mở tài khoản, nạp tối thiểu 1.000USD, việc còn lại là của các… “chuyên gia”. Theo cam kết, người đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận 300-360%/năm, tuy nhiên, thực tế nhiều người như chị T. đã phải nhận “trái đắng”, vỡ mộng khi bỏ tiền đầu tư.

Kiếm tiền trực tuyến không phải miếng mồi dễ xơi

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, nhiều đối tượng đã sử dụng các chiêu trò lừa đảo đa dạng, đánh vào tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập theo hình thức online của người dân. Với những lời mời như: Chỉ cần click là có tiền, mỗi tháng thu nhập từ 10-15 triệu đồng… đã thu hút được không ít người nhẹ dạ, cả tin.

Có một thực tế là khá nhiều người có tâm lý chủ quan khi tiếp cận các trang web, ứng dụng kiếm tiền theo hình thức online. Lý do được một vài người đưa ra là số tiền ban đầu phải nạp vào ít, có mất cũng không sao nhưng nếu “được” lại lãi nhiều.

C.H.Đ - sinh viên một trường thuộc Đại học Thái Nguyên, người cũng bị “cuốn” vào chiêu trò này, là một trong những người có suy nghĩ như vậy. Trong thời gian ở nhà học trực tuyến vì dịch bệnh, Đ. thường xuyên sử dụng mạng xã hội và có đăng ký tham gia một vài nhóm kiếm tiền online trên Facebook. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, Đ. được yêu cầu nạp số tiền 300 nghìn đồng vào tài khoản, sau đó làm theo hướng dẫn, xem các video và ngay lập tức được hưởng hoa hồng 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, Đ. hốt hoảng vì không thể truy cập được vào trang web; tiền không thể rút, tìm kiếm thông tin và số điện thoại hỗ trợ cũng không còn.

Tìm hiểu hình thức kiếm tiền trực tuyến, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được các ứng dụng (app) kiếm tiền hot hiện nay như: Cool Cat, Shopping Mall, PChome, Tailoc888, Golike,… Khi tải và đăng ký, người tham gia thường được yêu cầu làm các nhiệm vụ rất đơn giản để có được tiền như: Chơi trò chơi, đào tiền ảo, giới thiệu người quen, đặc biệt phải nạp tiền thật vào một tài khoản ảo đã được tạo trước đó để nâng cấp và thu lại tiền lời…

Theo lời giới thiệu của các app thì từ số vốn ban đầu sẽ sinh ra nhiều tiền lời và người chơi có thể rút ra bất cứ lúc nào, với điều kiện muốn rút tiền cũ thì phải nạp thêm tiền mới để nâng cấp hệ thống và tài khoản. Ham kiếm tiền một cách dễ dàng nên nhiều người đã tham gia, khi số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, người chơi muốn rút tiền thì app và web lại bị đánh sập và họ phút chốc trở thành “tay trắng”.

Cảnh giác trước “mê trận” đầu tư online

Theo thông tin từ lực lượng Công an, thời gian gần đây, loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên môi trường mạng có nhiều thay đổi về phương thức, thủ đoạn, hành vi. Chúng tìm cách tiếp cận, dụ dỗ bị hại, nhất là những người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập thông qua mạng Internet hoặc lợi dụng thông tin chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp… để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong ma trận “cạm bẫy” online mà chúng tôi đề cập trong loạt bài viết này, các thủ đoạn phổ biến là: Mạo danh ngân hàng thông báo tài khoản của bị hại có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí, hướng dẫn bị hại ấn vào đường link để cung cấp thông tin xác thực, sau đó chiếm đoạt tài sản; chuyển tiền vào tài khoản bị hại, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho bị hại báo có người chuyển khoản nhầm, hướng dẫn thủ tục hoàn trả; sử dụng website, mạng xã hội Zalo, Facebook có hình ảnh logo một số ngân hàng lớn, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn, sau đó yêu cầu bị hại nộp một khoản phí để được hưởng ưu đãi... Bên cạnh đó, các đối tượng còn kêu gọi, dụ dỗ người dân góp vốn, đóng phí để tham gia kiếm tiền online, hứa hẹn trả hoa hồng, trả công cao; giả mạo cửa hàng, thương hiệu hàng hoá đang có chương trình khuyến mại, tặng quà tri ân khách hàng, thông báo trúng thưởng...

Để không bị mắc bẫy, theo khuyến cáo, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin và nâng cao ý thức cảnh giác. Trước hết là sử dụng các trang thanh toán điện tử uy tín và phải có sự liên kết với các ngân hàng; không chuyển tiền theo bất cứ yêu cầu của cá nhân xưng danh tổ chức, cơ quan Nhà nước nào qua điện thoại; không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại; không đồng ý kết bạn, làm quen với đối tượng lạ và không nộp bất kỳ khoản phí nào qua trung gian.

Đồng thời, mỗi người cũng tuyệt đối không tin, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng chào mời từ các trang web trên mạng, không đăng nhập hoặc thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào, nhất là việc nạp tiền vào một tài khoản ảo trên mạng xã hội để tránh bị mất tiền oan.