Trong các loại án, án hành chính chiếm số lượng không lớn nhưng có sự phức tạp, khó khăn đặc thù do tranh chấp chủ yếu liên quan đến các quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Tuy vậy, thời gian qua, Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn để giải quyết án hành chính đạt kết quả cao.
Ông Bằng Công Hiệp, Chánh Tòa Hành chính, TAND tỉnh cho biết: Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, hầu hết các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Thời gian qua, các khởi kiện hành chính chủ yếu là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; quyết định hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Nói đến giải quyết án hành chính, nhiều người dân vẫn còn tâm lý nghi ngại vào sự phán quyết của tòa án bởi trong tranh chấp thường là người dân, tổ chức khiếu kiện cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, để giải quyết án, hội đồng xét xử phải luôn dựa vào chứng cứ, các cơ sở pháp lý.
Thông thường, người xử án phải nghiên cứu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan, những quy định, căn cứ pháp lý để đưa ra phán quyết đúng - sai về một quyết định của cơ quan hành chính vào thời điểm đưa ra quyết định. Bởi có những vụ việc đã xảy ra rất nhiều năm, cũng có vụ lại liên quan đến nhiều cấp, ngành. Đặc biệt, những vụ việc liên quan đến các quyết định thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn chiếm phần lớn và phức tạp.
Điển hình là vụ việc của ông Nguyễn Văn C. (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) khởi kiện quyết định hành chính của UBND T.P Thái Nguyên về việc phê duyệt bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 4 thửa đất liên quan đến quyền lợi của ông để phục vụ cho một dự án khu đô thị trên địa bàn. Trước đó, ông đã có khiếu nại về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi sự viêc này chưa được giải quyết dứt điểm thì UBND T.P Thái Nguyên thu hồi đất và chi trả bồi thường. Ông C. cho rằng quyết định như vậy là không đúng.
Sau khi thụ lý vụ việc, nghiên cứu hồ sơ và các quy định, cán bộ Tòa Hành chính yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu có liên quan, chứng minh quan điểm, quyết định của mình là đúng. Từng nội dung được làm sáng tỏ, mọi vướng mắc được giải quyết. Tuy bị bác đơn khởi kiện nhưng từ những văn bản với đầy đủ cơ sở pháp lý, quy định cùng những phân tích, giải thích rõ ràng của hội đồng xét xử, công dân đã “tâm phục, khẩu phục”.
Tương tự là vụ việc khiếu kiện của một công ty xây dựng đối với UBND tỉnh về quyết định hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Doanh nghiệp này cho rằng, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng dự án khu nhà ở và trung tâm thương mại (tại T.X Phổ Yên) đã cấp cho công ty là không đúng. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do các bên cung cấp, với đầy đủ căn cứ pháp lý chứng minh công ty này triển khai dự án chậm tiến độ so với cam kết, vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, Tòa án đã bác toàn bộ đơn kiện.
Ông Bằng Công Hiệp chia sẻ thêm: Trong án hành chính cũng tiếp nhận nhiều vụ việc mà sai phạm thuộc về cơ quan hành chính nhà nước. Trong quá trình thụ lý và xét xử, thẩm phán phải thực sự công tâm, minh bạch và gần dân, hiểu dân, vì dân, để công dân tin tưởng vào cơ quan công lý. Một số vụ việc, tòa án đã ra phán quyết yêu cầu cơ quan hành chính thu hồi, hủy quyết định ban hành không đúng đồng thời khắc phục hậu quả để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức. Bên cạnh việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, các tài liệu liên quan thì thẩm phán giải quyết án hành chính phải không e ngại, không sợ va chạm thì mới đưa ra được những phán quyết công tâm, khách quan, đúng pháp luật.
Từ nỗ lực, trong những năm qua, kết quả giải quyết án hành chính của TAND tỉnh đều đạt cao so với chỉ tiêu cấp trên giao. Cụ thể, năm 2019, Tòa Hành chính xét xử 59/76 vụ (đạt 80%, chỉ tiêu Tòa án nhân dân tối cao giao là 65% trở lên); năm 2020 xét xử 36/50 vụ và năm 2021 xét xử 35/48 vụ (đều đạt trên 72%).
Điều đáng mừng là mặc dù trong những năm qua trên địa bàn tỉnh triển khai rất nhiều dự án lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nhưng số vụ khởi kiện hành chính có chiều hướng giảm. Điều đó phần nào cho thấy quyết định của các cơ quan hành chính nhà nước ban hành đúng, người dân được đảm bảo quyền lợi.
Tuy nhiên, trong xét xử án hành chính, đơn vị vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức pháp luật của người dân chưa cao; người bị kiện chậm gửi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, cung cấp tài liệu cho tòa án hoặc vắng mặt tại các buổi đối thoại, xét xử; một số cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp, giao nộp hồ sơ không đầy đủ, chậm… Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá chứng cứ và tiến độ giải quyết án.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án hành chính, TAND tỉnh mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan quản lý có liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử. Các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước cần thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân để hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Khi có khiếu nại của người dân, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần quan tâm xem xét kịp thời, đúng quy trình, thủ tục. Các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.