“Số hóa” hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là một trong những bước đi tất yếu của các cơ quan tố tụng. Thực hiện nội dung này, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên quá trình triển khai có không ít khó khăn, hạn chế.
Những bước đi đầu tiên
Thời gian gần đây, TAND các huyện, thành, thị của tỉnh và viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa theo mô hình thực hiện “số hóa” hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
Điển hình là ngày 16-11 vừa qua, TAND và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Võ Nhai đã phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử “số hóa” hồ sơ vụ án hình sự trộm cắp tài sản xảy ra tại xã La Hiên (Võ Nhai) đối với bị cáo Trần Văn T., sinh năm 1992, cư trú tại xóm Hang Hon, xã La Hiên. Theo cáo trạng, lợi dụng lúc gia đình bị hại đi vắng, Trần Văn T. đã trộm cắp số tiền trên 18,2 triệu đồng. Sau khi trộm cắp được tài sản, T. đã mang hơn 5,1 triệu đồng đi tiêu xài và mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên trình chiếu các tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án đã được số hóa một cách công khai theo quy định pháp luật làm cơ sở cho việc chứng minh, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo; khẳng định quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật.
Trước đó, TAND Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công… cũng đã phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức một số phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội danh: Cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma túy… theo mô hình phiên tòa “số hóa”.
Trong phiên xét xử, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được trình chiếu công khai, thuyết phục làm cơ sở cho việc chứng minh, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo là chính xác, khách quan. Nhờ việc “số hóa” hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đầy sinh động, thuyết phục, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ thái độ ăn năn, hối cải. Từ đó, hội đồng xét xử đưa ra phán quyết chính xác, công bằng, khiến bị cáo và những người tham dự phiên tòa tâm phục, khẩu phục.
Còn nhiều việc cần làm
Được biết, từ đầu năm đến nay, TAND các huyện, thành, thị đã phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện 10 phiên xét xử bằng hình thức “số hóa” hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
Theo đánh giá của đại diện các cơ quan tư pháp thì việc số hóa hồ sơ vụ án là một chủ trương đúng đắn, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cần được nhân rộng và phát huy. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các cơ quan tố tụng nói chung và TAND các cấp của tỉnh nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Đối với TAND cấp huyện, đến nay, hầu hết các đơn vị vẫn chưa được trang bị phương tiện máy móc, thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác này.
Ông Lê Huy Bắc, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, đơn vị mới phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức một phiên tòa theo mô hình “số hóa”. Để thực hiện, TAND huyện phải đi thuê thiết bị, máy móc như: Máy chiếu, màn hình ti vi, hệ thống âm thanh…
Tương tự, TAND T.P Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay cũng chỉ phối hợp tổ chức được một phiên tòa “số hóa”. Để thực hiện, đơn vị cũng phải thuê thiết bị máy móc phục vụ trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ trước tòa.
Ông Lê Quý My, Chánh án TAND T.P Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, khó khăn nhất của đơn vị vẫn là trang thiết bị máy móc, chưa kể nhân lực vẫn còn thiếu, một số phải họat động kiêm nhiệm.
Đối với cấp tỉnh, đến nay TAND tỉnh vẫn chưa tổ chức được phiên tòa theo hình thức “số hóa” hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại tòa. Hiện, các phòng xét xử của TAND tỉnh vẫn chưa có các thiết bị, máy móc cần thiết để phục vụ việc “số hóa”.
Về vấn đề này, ông Bùi Đức Thuận, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Từ tháng 6-2021, TAND tỉnh đã có văn bản đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ phiên tòa “số hóa” hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh và âm thanh tại phiên tòa.
Theo đề xuất của TAND tỉnh, đơn vị này cần trang bị 5 máy scan, 17 máy tính xách tay, 4 bộ máy tính để bàn; 4 chiếc máy quay camera, 9 tivi màn hình lớn cùng phụ kiện lắp đặt. Nhưng đến nay vẫn chưa được tỉnh bố trí nguồn kinh phí.
Còn về nhân lực, hiện nay, TAND tỉnh chỉ có một kỹ thuật viên phụ trách chung, không có cán bộ tin học riêng. Điều này cho thấy đơn vị cũng đang gặp khó về nhân lực để thực hiện “số hóa”. Bởi sau khi đã bố trí, lắp đặt hệ thống trang thiết bị, máy móc, TAND tỉnh cũng cần có con người đủ khả năng vận hành. Trong khi đó, một số thiết bị có yêu cầu khá cao về chuyên môn kỹ thuật như quay phim, số hóa hồ sơ lưu trữ.
Như vậy có thể thấy, để đẩy mạnh và phổ cập việc thực hiện “số hóa” hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, ngành Tòa án tỉnh còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc chờ đợi hướng dẫn, hỗ trợ của TAND tối cao, của tỉnh để mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc thì các đơn vị cũng cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể và chủ động nhân lực để sẵn sàng đáp ứng.