Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm

12:31, 04/01/2022

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020”; Đề án số 10-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, các hoạt động tư pháp, trọng tâm là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên rõ rệt. Sự phối hợp của các cấp, ngành, nhất là các cơ quan tư pháp ngày càng được tăng cường, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đóng góp tích cực tạo sự ổn định xã hội.

Để nâng cao chất lượng công tác CCTP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; xây dựng các quy chế phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCTP; đồng thời làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng.

Nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp có sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án không ngừng được nâng cao, không để xảy ra oan, sai. Các phiên tòa được thực hiện theo tinh thần CCTP, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng được bảo đảm.

Các cơ quan tư pháp luôn phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời đảm bảo tính độc lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Đơn cử như Sở Tư pháp đã chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành luật có hiệu lực trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng dự thảo văn bản theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tích cực tham gia cùng đơn vị chủ trì xây dựng văn bản và thẩm định, đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp đều được các cơ quan tư pháp thẩm định trước khi ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi của văn bản.

Công an tỉnh đã chủ động nắm địa bàn, đối tượng, tập trung phòng ngừa, đấu tranh, điều tra nhanh các vụ việc. Với những giải pháp quyết liệt trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, tội phạm về trật tự xã hội giảm 5,06% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt 92,7% (vượt chỉ tiêu 17,7%); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khám phá đạt 96,4% (vượt chỉ tiêu 6,4%), không để xảy ra oan, sai…

Đặc biệt, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đưa chuyên đề “Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” vào chương trình trọng tâm CCTP năm 2021.

Để triển khai sâu rộng đến VKS hai cấp, VKSND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại của Tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của VKS hai cấp” và chuyên đề “Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các giải pháp thực hiện”.

Trong năm, VKSND tỉnh đã ký Quy chế phối hợp trong công tác phát hiện, cung cấp, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm với Cục Hải quan Bắc Ninh; Quy chế phối hợp với Báo Thái Nguyên trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp, trao đổi thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát tỉnh.

 Việc tổ chức phiên tòa “số hóa” giúp cho hoạt động tranh tụng, xét xử bảo đảm khách quan, chính xác.

Ngành Tòa án lựa chọn phiên tòa “số hóa” là nội dung trọng tâm trong công tác CCTP. Đồng chí Bùi Đức Thuận, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) cho biết thêm: Ngay sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số được ban hành, TAND tỉnh đã quán triệt đến cán bộ, công chức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đồng thời, TAND tỉnh đã phối hợp với VKSND tỉnh thống nhất, ban hành kế hoạch và quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa “số hóa” hồ sơ vụ án hình sự và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, âm thanh tại phiên tòa, triển khai thực hiện trong tất cả các đơn vị TAND và VKSND dân hai cấp của tỉnh.

Đến nay, TAND tỉnh đã tổ chức thực hiện được 11 phiên tòa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh và âm thanh tại phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa “số hóa” giúp cho hoạt động tranh tụng, xét xử bảo đảm khách quan, chính xác, đáp ứng yêu cầu CCTP.

Với những giải pháp thiết thực của các cơ quan trong Khối Nội chính, kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong thời gian qua đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai hay bỏ lọt tội phạm, không để khiếu kiện bị đẩy thành điểm nóng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Việc đẩy mạnh CCTP đã góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, bảo vệ công lý, quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.