Gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh việc họ bị các đối tượng không rõ lai lịch cắt ghép hình ảnh kèm những lời xúc phạm nghiêm trọng để đăng lên Facebook hoặc gửi qua Zalo, Gmail đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, liệu có ngăn được App cho vay nặng lãi lấy thông tin để bôi xấu gây áp lực?
Thời gian vừa qua, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về vấn đề này. Cụ thể như, ngày 14-1, anh Đ.X.H, sinh năm 1971, ở phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) đến trình báo về việc từ ngày 6-1-2022, anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ gọi đến đe dọa, nói anh là người bảo lãnh cho một người tên Hạnh vay tiền bây giờ phải có trách nhiệm giục người đó trả. Khi anh nói không liên quan thì liên tục những ngày sau bị các cuộc điện thoại khủng bố tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Mới đây, chị D.T.K.N ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cũng đến trình báo với cơ quan Công an sự việc ngày 2-12-2021, chị bị đối tượng sử dụng Facebook “Nguyễn Thu Phương” đăng tải hình ảnh chị với nội dung sai sự thật. Sau đó, nhiều đối tượng liên tục gọi điện cho chị để đòi nợ người tên Nguyễn Anh Chiến mà chị N. không quen biết.
Không chỉ ở T.P Thái Nguyên, trên địa bàn các huyện, thành, thị trong tỉnh đều có tình trạng này. Đơn cử như trường hợp anh H. cán bộ đang công tác ở một xã của huyện Phú Lương. Anh H. có vay qua App vài chục triệu đồng, đến nay số tiền gốc và lãi đã lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng anh chưa có khả năng trả nợ. Thời gian gần đây, các đối tượng cho vay liên tục gọi điện thoại đến lãnh đạo xã nơi anh H. công tác yêu cầu phải thúc giục anh này trả nợ, kèm theo những lời đe dọa. Có ngày, các lãnh đạo xã phải nhận trên 20 cuộc điện thoại làm phiền, đe dọa từ các đầu số khác nhau.
Chưa hết, từ danh bạ điện thoại và bạn bè trên Facebook của anh H., các đối tượng này đã cắt ghép hình ảnh kèm những lời vu khống, bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm của họ, trong đó có cả hình ảnh của một đồng chí lãnh đạo huyện. Điều này khiến các bạn bè của anh H. trở thành nạn nhân, họ vô cùng bức xúc và có ý kiến đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Trung úy Đỗ Trung Hiếu, Điều tra viên Đội Phòng ngừa đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh), vay tiền qua App là giao dịch dân sự. Các App cho vay nặng lãi lấy thông tin cá nhân và thông tin trên mạng xã hội của người vay vì đây là điều kiện cho vay. Người vay nếu không cung cấp các thông tin cá nhân, số điện thoại người thân, bạn bè và tài khoản Facebook, Zalo có thể sẽ không được xét cho vay cho nên đành phải chấp nhận. Khi con nợ chậm trả nợ, chúng dễ dàng sử dụng những thông tin này để bêu xấu, khủng bố tinh thần gây áp lực tâm lý lên người thân, đồng nghiệp để thu hồi nợ.
Trên thực tế, một số người vay có tâm lý chủ quan nghĩ vay dễ dàng, thậm chí có thể quỵt tiền của các App này. Tuy nhiên, người vay không thể lường trước được những món nợ ban đầu chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng khi phải trả thì bị cộng thêm các khoản phạt trả chậm, “lãi mẹ đẻ lãi con” thì số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, càng kéo dài nợ thì tình trạng “khủng bố tinh thần” con nợ càng lan tràn, nhức nhối.
Cũng theo Trung úy Đỗ Trung Hiếu rất khó để xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi trên App vì thực tế các số điện thoại được chúng sử dụng trong thời gian rất ngắn, đều là sim rác. Chưa kể, các cuộc điện thoại chúng dùng MC ảo nên khó nhận diện giọng nói chứng minh tội phạm. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng kẽ hở của pháp luật chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực này nên rất khó khăn trong việc xử lý, vì đây là giao dịch, thỏa thuận dân sự giữa các bên.
Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện những website quảng cáo các ứng dụng cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý an ninh mạng. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác, không nên vay tiền qua các ứng dụng di động. Nếu có nhu cầu vay tiền thì người dân nên liên hệ các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép hoạt động.