“Bùng” tiền vay online: Coi chừng hệ lụy về pháp lý

09:46, 22/02/2022

Lợi dụng hình thức cho vay tín chấp trên các website hoặc ứng dụng điện thoại (app) với điều kiện đơn giản, thủ tục nhanh chóng, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm hướng dẫn cách giả mạo thông tin nhằm chiếm đoạt tiền.

Mấy ngày nay, bạn bè và người thân của N.T.T, tạm trú tại tổ 1, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên), liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin làm phiền. Lý do liên quan đến một khoản tiền T. đã vay qua app cách đây 2 tháng chưa trả.

N.T.T đã có một số lần vay tiền online. Bức xúc vì cách tính lãi và các loại phí liên quan cao chót vót, hình thức đòi nợ kiểu khủng bố, anh đã tìm đến các nhóm trên Facebook để được hướng dẫn cách “lách luật”, sau đó bùng nợ như một cách trả đũa.

Với khoản vay lần này, tất cả thông tin làm hồ sơ T. đều chỉnh sửa không đúng thực tế. Từ sim điện thoại rác, tài khoản Zalo và Facebook ảo đến nội dung liên quan đến gia đình, người thân và địa chỉ mới giải ngân; đồng thời cài đặt chế độ chặn tin nhắn và cuộc gọi ngoài danh bạ trên điện thoại. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó mà bên cho vay vẫn có thông tin của những người liên quan đến T. để đòi nợ.

Trên mạng xã hội hiện có nhiều nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng; số lượng thành viên rất đông đảo. Ví dụ như: “Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó” có hơn 45 nghìn thành viên; “Hội bùng app online và cách đối phó” 16,5 nghìn thành viên; “Hội vay tiền online và chia sẻ kinh nghiệm bùng app - chống khủng bố” gần 2 nghìn thành viên…

Ở đó, các thành viên hướng dẫn, chia sẻ chi tiết cho nhau cách thức làm giấy tờ giả; ghi thông tin ở các bước kiểm duyệt hồ sơ. Thậm chí một số còn nhận cung cấp dịch vụ hỗ trợ làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hoá đơn thanh toán hoặc thẻ nhân viên để tham chiếu; cài ứng dụng vay tiền online thuê; bán tài khoản Facebook và danh bạ điện thoại giả; dịch vụ chặn app, xoá thông tin khách vay...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có 2 hình thức vay tín chấp online phổ biến là qua website và app. Với hình thức thứ nhất, người vay cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm họ tên, ngày sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, ảnh chụp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ảnh chân dung, số điện thoại tham chiếu của bạn bè hoặc người thân.

Còn qua app, người vay cần cấp quyền truy cập các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn; để lại đường dẫn tới trang cá nhân Facebook, Zalo và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng. Trường hợp không trả nợ đúng hạn, phía cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại gọi điện khủng bố người thân, bạn bè, ép người vay trả tiền; thậm chí cắt ghép thông tin nhằm bôi xấu trên mạng xã hội.

Trở lại với vấn đề “bùng” tiền vay qua app, dù có nhiều chia sẻ, hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện nhưng thực tế không dễ để “bùng”. Trường hợp của N.T.T như đề cập ở trên là một ví dụ, đến thời điểm đối tượng gọi đòi nợ thì số tiền lãi phát sinh đã lớn hơn nhiều so với khi giải ngân; bản thân T. và những người liên quan bị làm phiền bởi các cuộc gọi.

Nhiều người còn chia sẻ, ngay việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn để “bùng” nợ trên các nhóm đôi khi cũng là một hình thức lừa đảo, dễ mắc phải nếu không tỉnh táo. Ở một khía cạnh khác, hành vi giả mạo thông tin để vay tiền qua app và website rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tuỳ theo mức độ.