Kiến nghị là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua thực tế hoạt động, thời gian qua, VKSND hai cấp trong tỉnh đã ban hành nhiều kiến nghị với các ngành, địa phương về những tồn tại trong phòng ngừa tội phạm, qua đó kịp thời khắc phục hạn chế, bảo đảm tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật.
Qua giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác kiểm sát điều tra án hình sự, VKSND huyện Định Hoá nhận thấy trên địa bàn xảy ra một số vụ vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Cụ thể như: Vụ khai thác trái phép rừng đặc dụng tại tiểu khu 6, thuộc xóm Thịnh Mỹ, xã Tân Thịnh với diện tích 0,68ha, 150 cây gỗ bị chặt hạ (tháng 9-2020); vụ hủy hoại rừng tại xóm Quế Linh, xã Bảo Linh, bằng máy xúc khiến 195 cây gỗ bị bật gốc, gãy đổ, diện tích đào bới hơn 0,6ha (tháng 3-2021)...
Các hành vi diễn ra trong thời gian tương đối dài nhưng chậm được phát hiện; gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Chính vì vậy, VKSND huyện đã ban hành kiến nghị Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hoá áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm lâm luật như: Tăng cường kiểm tra, đấu tranh xử lý các vi phạm trong bảo vệ rừng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho các chủ rừng…
Trong năm 2021, thông qua công tác kiểm sát, VKSND T.P Thái Nguyên phát hiện một số tồn tại, vi phạm trong thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký, hợp đồng dẫn đến bị vô hiệu và bị Tòa án tuyên hủy, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Từ đó ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm tại các xã, phường trên địa bàn.
Cùng liên quan đến cấp xã, phường, VKSND tỉnh ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất; ngoài nội dung, hình thức của hợp đồng, năng lực trách nhiệm dân sự của các bên thì cán bộ chứng thực phải kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng hình thức sở hữu nhằm tránh chứng thực cho các giao dịch vi phạm pháp luật dẫn đến bị vô hiệu.
Theo thống kê, năm 2021, VKSND hai cấp trong tỉnh đã ban hành 18 kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về hình sự; 20 kiến nghị liên quan đến các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại.
Trong đó có những nội dung đáng chú ý như: Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tăng cường thanh tra việc thực hiện các quyết định về an toàn lao động để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực an toàn lao động; hạn chế, giảm thiểu vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ, các loại tội phạm xâm hại trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm trong các lĩnh vực: Tư pháp - hộ tịch; địa chính; hòa giải tại cơ sở, quản lý các đối tượng nghiện ma túy...
Thực tế, số lượng kiến nghị phòng ngừa của VKSND hai cấp trong tỉnh hằng năm đều đạt hoặc cao hơn chỉ tiêu của Ngành giao và nhận được sự nhất trí cao của các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan; với 100% kiến nghị được chấp nhận, tiếp thu. Nhiều cơ quan, đơn vị có văn bản phản hồi và thực hiện những giải pháp khắc phục.
Lãnh đạo VKSND tỉnh nhấn mạnh: Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên cơ quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao các phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện tập trung thực hiện. Thông qua quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các kiểm sát viên nắm chắc tình tiết các vụ án; tổng hợp, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để làm cơ sở cho việc tham mưu ban hành kiến nghị phù hợp.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới, VKSND hai cấp trong tỉnh tiếp tục chú trọng các kiến nghị phòng ngừa vi phạm theo thực tiễn từng địa bàn, lĩnh vực; chỉ rõ bất cập và phân tích nguyên nhân, giải pháp đề xuất khắc phục, xử lý. Cùng đó là đẩy mạnh trao đổi, thống nhất với cơ quan liên quan để dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật nhằm có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả từ cơ sở.