Thời gian gần đây, có nhiều đối tượng sử dụng chiêu trò giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo, vay tiền; làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng có nhiều cách thức tinh vi hơn, khiến nhiều người liên quan vẫn bị mắc bẫy nếu không tỉnh táo.
Trưa ngày 7-3 vừa qua, tôi nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo của ông Hoàng Công Lộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ T.X Phổ Yên với nội dung: “Alo, tài khoản có đủ 21 triệu đồng không, chuyển giúp vào số 243468906 của Nguyễn Công Vinh, ngân hàng VPbank; chiều 4h gửi lại”. Và “Nhớ ghi là Lộc chuyển khoản; xong gửi lại ảnh chụp màn hình để xác nhận”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rất nhiều bạn bè, người thân của ông Lộc cũng nhận được tin nhắn có nội dung tương tự. Sau khi gọi điện thoại trao đổi trực tiếp, chủ tài khoản bị chiếm đoạt đã kịp thời trình báo cơ quan công an; nhờ kỹ thuật lấy lại mật khẩu và đăng cảnh báo để mọi người biết. Rất may chưa có ai kịp chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Một trường hợp khác là anh Dương Văn Hợp, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Định Hoá, cũng chia sẻ, cảnh báo về việc lừa đảo trên mạng xã hội. Cụ thể, tài khoản Facebook cá nhân của vợ anh Hợp (hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thành, Định Hoá) liên tục nhận được một số tin nhắn mang tính chất tống tiền, lừa đảo; sau đó chiếm đoạt tài khoản và đổi sang tên mới. Kẻ gian sử dụng các hình ảnh cá nhân, cắt ghép rồi đăng tải nội dung không đúng sự thật và tấn công vào trang Zalo, Facebook của cơ quan. Chủ tài khoản không có cách nào lấy lại mất khẩu nên đành phải tạm không dùng mạng xã hội.
Trong khi đó, anh T.V.M, ở thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) lại bị kẻ xấu lấy cắp thông tin và ảnh cá nhân để lập một tài khoản Facebook có tên tương tự của mình. Sau đó, đối tượng này gửi lời kết bạn với những người quen của anh M. rồi “mượn” danh vay tiền; đặt mua hàng trực tuyến ở nhiều nơi khác nhau. Chỉ khi nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh thì anh mới biết.
“Có những đơn hàng họ chuyển tới nhà lên tới gần 4 triệu đồng, trong khi bản thân mình không hề đặt. Tôi không biết kẻ gian lừa đảo như vậy nhằm mục đích gì.” Anh M. chia sẻ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn những người bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội đều có những “sơ hở” như công khai quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân, số điện thoại; việc cài đặt chức năng bảo mật chưa thực sự chặt chẽ hoặc vô tình truy cập vào đường link, địa chỉ trang web có chứa mã độc. Những thông tin này dễ dàng tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng mạo danh hoặc quấy rối, gây mất uy tín.
Khi phát hiện bị mạo danh hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội phục vụ ý đồ xấu, người dùng cần gửi ngay thông tin tới nhà cung cấp để khoá tài khoản giả mạo; thông báo cho người thân, bạn bè biết để tránh thiệt hại.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội hỏi vay, mượn tiền, nạp tiền điện thoại hay yêu cầu thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội thì cần xác minh kỹ lưỡng qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp; nếu không thể xác thực được người gọi, người nhắn tin thì tuyệt đối không làm theo. Trường hợp không còn sử dụng một số điện thoại nào đó thì nên xóa luôn tài khoản mạng xã hội Zalo đã đăng ký hoặc thay đổi thông tin bảo mật tài khoản bằng số điện thoại mới để tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng.
Trường hợp thực hiện hành vi giả mạo Facebook, Zalo của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Nếu việc giả mạo tài khoản của người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. |