Hoạt động của tội phạm mua bán người tại khu vực biên giới biển, cửa khẩu, hải đảo vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Thời gian qua, tội phạm mua bán người thực hiện phương thức, thủ đoạn môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ nhằm lừa gạt, mua bán trẻ sơ sinh; lừa gạt, mua bán nam thanh niên xuống tàu đánh cá trên biển nhằm cưỡng bức lao động.
Hội, nhóm cho-nhận con nuôi
Lợi dụng những trẻ em, phụ nữ nhẹ dạ trong độ tuổi từ 16 đến 28, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài là những lý giải thực trạng tội phạm mua bán người ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng, tinh vi...
Chỉ trong năm 2021, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng) phát hiện, kết luận 16 đường dây nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài; xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án, bắt 26 đối tượng, giải cứu 12 nạn nhân. Trong đó, phải kể tới hành trình gần ba tháng dấn thân thầm lặng, gian khó của hàng chục trinh sát, theo dấu của đường dây tội phạm hoạt động hết sức tinh vi; bám nắm đối tượng trong thời gian dài, không gian rộng, có sự câu kết trên địa bàn rộng, cả trong và ngoài biên giới trong Chuyên án A321.2.
Đây là chiến công đặc biệt của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng) và lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội, các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình.
Trên mạng xã hội, nổi lên các nhóm hoạt động công khai: "Hội cho và nhận con nuôi ba miền", "Hội nhóm cho-nhận con nuôi do hoàn cảnh", "Nhóm cho-nhận con nuôi do hiếm muộn vô sinh". Tội phạm mua bán trà trộn, dùng thủ đoạn môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ nhằm lừa gạt, mua bán trẻ em, trẻ sơ sinh hoặc đưa phụ nữ có thai sang Trung Quốc sinh con, sau đó mua bán trẻ sơ sinh. Từ các hội, nhóm này, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp các cơ quan chức năng tìm ra manh mối nhiều đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới.
Hành trình giải cứu cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi trên chặng đường Hà Nội-Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh là một kỳ tích của lực lượng đánh án mang bí số A321.2. Quá trình thâm nhập các hội, nhóm, trinh sát Phòng Phòng, chống mua bán người (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng) thu thập, phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Xuân cùng chồng là Vũ Ngọc Anh (biệt danh Anh "trọc"), trú tại Yên Phụ (quận Ba Đình, Hà Nội), thường xuyên tập hợp những phụ nữ mang thai có hoàn cảnh éo le từ các tỉnh đến ở thời gian ngắn.
Rà soát các nguồn tin thu được, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm chỉ đạo Phòng Phòng, chống mua bán người xác lập Chuyên án mang bí số A321.2. Trong khi các biện pháp nghiệp vụ đang triển khai đồng bộ, lực lượng đánh án nhận thông tin một sản phụ tên là Trần Thị T. vừa sinh con tại một bệnh viện ở Hà Nội. Chiều 12/3/2021, sau khi hoàn tất thủ tục ra viện, Xuân, Thương và T. cùng cháu bé sơ sinh nhanh chóng chia làm ba ngả. Các trinh sát chia làm nhiều mũi giám sát toàn bộ di biến động của các đối tượng, bố trí một nữ trinh sát có chuyên môn chăm sóc y tế tham gia, hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho cháu bé khi giải cứu được. Bằng những thủ đoạn cắt đuôi tinh vi, các đối tượng di chuyển liên tục từ Hà Nội, đi Lạng Sơn, sau đó vòng lên Cao Bằng rồi lại xuống Móng Cái (Quảng Ninh) nhằm đánh lạc hướng.
8 giờ 10 phút ngày 18/3/2021, tại khu vực biên giới thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Hoành Mô (tỉnh Quảng Ninh), lực lượng đánh án bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh.
Tại đây, các đối tượng khai mua cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi của Trần Thị T., sinh năm 1992 (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) với giá 15 triệu đồng đưa sang Trung Quốc bán. Nếu thành công, bọn chúng kiếm được từ 350 đến 400 triệu đồng. Kết thúc chuyên án, đã giải cứu thành công trẻ sơ sinh, bắt năm đối tượng, thu giữ 50 g heroin, 70 viên ma túy tổng hợp, nhiều dao găm.
Lừa gạt, cưỡng bức lao động
Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, người lao động mất việc làm, không có nguồn thu nhập, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng người Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia diễn biến phức tạp.
Lợi dụng tình hình này, các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng người Campuchia hoặc người Việt Nam tại Campuchia hình thành nhiều đường dây, tổ chức tội phạm, lừa gạt tuyển mộ, môi giới lao động. Sau đó, tổ chức xuất, nhập cảnh qua con đường cả hợp pháp và trái phép.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là thông qua các trang mạng xã hội để lừa gạt, lôi kéo dụ dỗ người dân, hoặc đe dọa, khống chế rồi bán ra nước ngoài; trong đó có cả trẻ em trong độ tuổi từ 14-16 tuổi. Chúng hứa hẹn người lao động sang nước ngoài làm việc sẽ nhận mức lương cao từ 800-1.200 USD/tháng.
Tuy nhiên, sau khi bị bán vào các sòng bạc, cơ sở game online do người Trung Quốc làm chủ, họ bị cưỡng bức lao động, làm việc từ 10-14 giờ/ngày, bị giam giữ, ngược đãi, bóc lột tình dục hoặc ép buộc phải lôi kéo người Việt Nam tham gia đánh bạc. Nếu từ chối hoặc muốn quay về Việt Nam, họ bị đánh đập, bắt ký giấy vay nợ và yêu cầu nộp tiền chuộc lên đến 8.000 USD.
Bộ đội Biên phòng theo dõi mật phục tội phạm.
Đáng chú ý, tình trạng mua bán người nhằm cưỡng bức lao động trên biển diễn ra phức tạp, trọng điểm tại các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ. Bọn tội phạm thường sử dụng phương thức chủ yếu thông qua lợi dụng môi giới hôn nhân, lao động, nhất là lao động có yếu tố nước ngoài để lừa gạt, mua bán phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Nhiều đối tượng "cò" đã dùng các thủ đoạn như cho vay tiền, bắt nhốt để buộc viết giấy vay nợ, khống chế, bắt buộc người tìm việc phải đi biển làm công trả nợ.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Dũng, Phó Trưởng phòng Trinh sát-Kỹ thuật, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, chia sẻ: Trong quá trình đấu tranh các chuyên án mua bán người, chúng tôi luôn có cảm giác "sục sôi", muốn nhanh chóng bắt gọn đối tượng. Căm phẫn trước việc chúng coi mạng người rẻ rúng, sẵn sàng bán một sinh mạng con người với giá 60-70 triệu đồng. Quá trình trinh sát, phát hiện đến khi tóm gọn đối tượng đã khó khăn, nhưng để thu thập chứng cứ, phân loại, chứng minh được hành vi mua bán người, mua bán nội tạng, để truy tố đúng người, đúng tội là quá trình gian nan, vất vả. Bọn chúng thường tinh vi khi "ẩn" tội danh mua bán người dưới danh nghĩa môi giới mại dâm hoặc tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép. Phân định thế nào cho chính xác, khi chính người mẹ lại tiếp tay cho tội phạm mua bán đứa con mình? Hoặc từ nạn nhân, họ có thể trở thành ngay đối tượng mua bán người. Chúng tôi gọi đó là những "dấu lặng" trong mỗi chuyên án. Do vậy, mỗi khi phá án thành công, chúng tôi đều tự hào vì đã làm được một điều tốt đẹp, nhân văn.
Dự báo thời gian tới, hoạt động mua bán người qua biên giới còn những diễn biến phức tạp và gia tăng bởi tình trạng khan hiếm lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trước tình hình này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021"; các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, số phụ nữ, trẻ em sinh sống tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, các trường học...
Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng, tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm cho cư dân khu vực biên giới, biển, đảo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, chia sẻ kinh nghiệm, điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm với các nước láng giềng, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.