Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người dân mua sắm trực tuyến tăng vọt. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân hoặc bán hàng trôi nổi, kém chất lượng bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Mới đây, chị T.M.L. ở phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) có đặt mua sản phẩm mặt nạ ngủ của một shop người quen bên Hàn Quốc, có gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Đến ngày 17-3, đang giờ nghỉ trưa, chị nhận được điện thoại từ bên giao hàng mời chị nhận hàng của Shopee. Khi nhân viên nói thu tiền, chị thắc mắc sao cao hơn so với lúc đặt thì được cho xem mã đơn ghi thu từng ấy tiền, khách không được xem hàng.
Nghĩ là shop người quen, lại đúng sản phẩm mình đặt nên chị L. liền nhận rồi thanh toán. Vào nhà, mở ra chị mới thấy gói hàng bị rách, bên trong không phải sản phẩm chị đã đặt. Hỏi bên shop đã đặt họ trả lời hàng vẫn bên kho Hàn Quốc chưa về nên đây chắc chắn là một shop khác đánh cắp thông tin của chị và gửi sản phẩm kém chất lượng để lừa đảo.
Tra mã vận đơn, chị L. thấy hàng được gửi từ quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhưng nhiều lần gọi số điện thoại của shop ghi trên gói hàng đều không liên lạc được. Phản ánh với bên Shopee về việc có hay không bị lộ lọt thông tin khách hàng nhưng chị L. cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Cũng giống như trường hợp chị L., ngày 17-3, bà N.M.H. ở tổ 13, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), được bên giao hàng gọi điện mời nhận hàng của Shopee. Cẩn thận, bà kiểm tra vận đơn và thấy ghi đang giao nên đã ra lấy. Khi nhân viên giao gói hàng thì bị rơi xuống đất, trong bọc lộ ra một bánh xà phòng rẻ tiền không đúng sản phẩm bà H. đặt nên bà đã từ chối nhận đơn.
Tương tự như bà H., chị H.T., ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cũng đặt 2 thỏi son của một shop tại Hàn Quốc trên sàn thương mại điện tử Shopee. Tuy nhiên, khi nhân viên giao hàng đến, chị thấy thu cao hơn so với giá đặt, đồng thời cầm gói hàng nặng hơn khối lượng 2 thỏi son, kiểm tra vận đơn chị thấy hàng vẫn đang ở kho Hàn Quốc chưa chuyển về nên đã không nhận.
Những vụ lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng qua mạng xã hội xảy ra thời gian qua khá phổ biến. Nhiều người mua hàng qua mạng phải “ngậm đắng nuốt cay” nhận những món hàng không đúng với mình đặt hoặc hàng kém chất lượng, thậm chí không có sản phẩm.
Như trường hợp của chị Đ.H.H., tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), chị vô cùng bức xúc khi bị lừa đảo vì đặt mua hàng trực tuyến. Qua mạng xã hội Facebook, chị thấy page “Bách hóa tổng hợp” có nhiều đơn hàng được phản hồi tốt nên đã nhắn tin đặt mua một chai thuốc xịt đuổi chuột. Đầu tháng 3 vừa qua, khi nhân viên giao hàng đến, chị đang bận tại quầy làm việc nên nhận và thanh toán luôn, sau bóc ra mới thấy bên trong chỉ có chai nhựa không. Chị liên lạc với số điện thoại của shop nhưng không được, nhắn tin phản ánh cho page thì bị chặn.
Bên cạnh hai thủ đoạn nói trên, còn một kiểu lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”. Đó là đối tượng đăng tin bán sản phẩm chỉ bằng 30-50% so với giá thật trên thị trường, nhưng yêu cầu người mua chuyển trước một nửa tiền hàng. Sau khi bên mua chuyển khoản, họ mới thông báo rằng đã đăng nhầm giá và đưa giá mới cao hơn giá trên thị trường. Vì đã trót chuyển tiền nên nhiều người mua tặc lưỡi chấp nhận, nhưng đến khi nhận lại phải hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Có trường hợp, người mua đành “ngậm đắng” mất tiền cọc. Chị T.V.T., ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết: Tôi đã một lần bị mất 800 nghìn tiền đặt cọc vì ham mua đông trùng hạ thảo quảng cáo rẻ bằng một nửa trên trang web giả mạo công ty. Đây là bài học nhớ đời của tôi khi mua online, không nên ham rẻ để rồi mất tiền oan.
Những vụ việc trên cho thấy phần nhiều các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc trà trộn bán hàng kém chất lượng cho người dân khi mua hàng trực tuyến đầu tiên do chính sự bất cẩn của người mua như ham giá rẻ, không tìm hiểu kỹ shop, không xem vận đơn, không kiểm tra sản phẩm mà đã nhận và thanh toán.
Ngoài ra, việc lộ lọt, rò rỉ thông tin khách hàng từ các shop hay sàn thương mại điện tử vẫn chưa được xử lý nên người chịu phần thiệt vẫn là người mua… Để tránh tình trạng này, mỗi người cần chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, không ham rẻ đặt mua trên những shop thiếu tin tưởng, lúc nhận hàng cần kiểm tra kỹ càng mới thanh toán để tránh “tiền mất tật mang”…