Các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh đã tích cực, chủ động, phối hợp với các ngành liên quan trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong xử lý tài sản phải THA theo pháp luật và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc đấu giá và giao tài sản cho người trúng đấu giá trong một số vụ việc còn gặp khó khăn, bị kéo dài do nhiều nguyên nhân.
Theo số liệu thống kê của Cục THADS tỉnh, năm 2020, các cơ quan THADS đã đấu giá đối với 45 việc, tương ứng với số tiền gần 71 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả đấu giá thành và giao tài sản trúng đấu giá chỉ đạt 16/26 việc (61%) so với tổng số việc đấu giá thành, với số tiền 18,95 tỷ đồng, còn 10 việc (với trên 38 tỷ đồng) chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá. Tổng số việc đấu giá chưa thành là 19 việc với số tiền 13,6 tỷ đồng.
Năm 2021, tổng số việc đấu giá tài sản thành là 30 việc, với tổng số tiền gần 71 tỷ đồng; trong đó có 24 tài sản đã được giao cho người trúng đấu giá (tương ứng số tiền trên 41 tỷ đồng); việc đấu giá chưa thành là 4 việc với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số việc đấu giá tài sản thành là 8 với tổng số tiền gần 37,3 tỷ đồng, đã giao cho bên trúng đấu giá 4 việc, số tiền trên 4,1 tỷ đồng; tổng số đã đấu giá thành nhưng chưa được giao cho người trúng đấu giá là 4 việc với số tiền trên 33 tỷ đồng; số tài sản đấu giá chưa thành là 3 việc với tổng số tiền trên 227,6 triệu đồng, các việc đều là từ kỳ trước chuyển sang.
Có thể thấy, hầu hết số tài sản phải bán đấu giá có số lượng và giá trị lớn. Điều này đã tạo áp lực cho chấp hành viên (CHV) trong quá trình xử lý. Bởi vì chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình giải quyết, CHV phải đối mặt với khiếu nại, tố cáo của các đương sự hoặc tiềm ẩn nguy cơ phải bồi thường cho Nhà nước.
Ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Hầu hết các việc, tài sản đấu giá đều liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Bên cạnh đó, mặc dù việc giải quyết tài sản đã được ghi rõ trong các bản án nhưng khi bước vào giải quyết thực tế mới thấy nhiều khó khăn, phức tạp phát sinh, khiến một số vụ việc khó lòng giải quyết dứt điểm.
Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết tài sản THA gặp khó khăn liên quan đến công tác thẩm định giá, khi tiến hành xác định hiện trạng tài sản cơ quan THADS đã kê biên để thẩm định giá, đương sự không hợp tác, chống đối.
Có trường hợp dù tài sản đã được thẩm định nhưng đương sự không thống nhất về giá đã định, có đơn khiếu nại, tố cáo dẫn đến việc thẩm định giá kéo dài, khó khăn, cơ quan THADS phải thuê nhiều tổ chức tiến hành thẩm định giá gây tốn kém tiền bạc và thời gian.
Cũng có khi người được THA (chủ yếu là các tổ chức tín dụng) đề nghị định giá lại vì cho rằng giá thẩm định thấp hơn tổ chức tín dụng định giá tại thời điểm khách hàng vay vốn, tuy nhiên, khi định giá lại và đưa ra bán đấu giá tài sản vẫn không có người đăng ký mua khiến thời gian giải quyết vụ việc càng kéo dài hơn…
Bên cạnh đó, người mua tài sản kê biên để THA còn e ngại, vì quy định pháp luật liên quan đến thủ tục nhận tài sản và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, phức tạp, chưa kể một số trường hợp còn xảy ra tranh chấp.
Có trường hợp tài sản thẩm định thấp hơn giá thực tế trên thị trường chuyển nhượng thời điểm gần đó nhưng khi chuyển đấu giá không thành, thậm chí có những tài sản giảm giá tới 7, 8 lần vẫn không có người mua...
Để giải quyết hiệu quả các tài sản THA, Cục THADS tỉnh đã đưa ra một số giải pháp, như: Thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình công khai, minh bạch việc thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; đăng tải kịp thời, đầy đủ thông tin trên cổng, trang thông tin điện tử của ngành, Cổng thông tin Quốc gia về đấu giá tài sản; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm hoạt động thẩm định giá tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao chất lượng và tiện ích dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản cho các cơ quan THA...
Ông Trần Bình chia sẻ: Cục THADS yêu cầu mỗi CHV nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện giám sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tổ chức bán đấu giá có dấu hiệu vi phạm thì CHV phải kịp thời báo cáo lãnh đạo để kiểm tra và xử lý theo quy định. Nếu có căn cứ xác định tổ chức đấu giá vi phạm pháp luật đấu giá thì chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Đối với các tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành, Ngành kiên quyết thực hiện đúng theo quy định của Luật THADS. Trong từng vụ việc cụ thể, thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đạo CHV rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân cụ thể để có giải pháp xử lý; phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ xử lý, trước khi làm thủ tục thẩm định giá, đấu giá tài sản…