Xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát tỉnh. Chính vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trong tỉnh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các chuyên đề liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn.
Ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 199 biên chế và 30 hợp đồng lao động, trong đó 183 người có trình độ chuyên môn là cử nhân, thạc sĩ Luật (tương đương khoảng 80%); 17,1% có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.
Theo đánh giá, về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành đã được xây dựng đồng bộ cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, số lượng vụ án, vụ việc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều vụ có tính chất phức tạp đòi hỏi chất lượng cán bộ phải không ngừng được nâng cao.
Để đáp ứng yêu cầu đó, hằng năm, Viện KSND hai cấp của tỉnh đều rà soát, chọn cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực thi công vụ.
Theo thống kê, từ năm 2021 tới nay đã có 55 cán bộ, công chức của Ngành tham gia các lớp về tập huấn về công tác chuyên môn, học lý luận chính trị, quốc phòng - an ninh. Viện KSND tỉnh cũng phối hợp với Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến hoặc tại đơn vị.
Ông Lưu Thanh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đại Từ cho biết: Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp công việc hợp lý để cán bộ có điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên tổ chức tự đào tạo bằng cách chia sẽ kinh nghiệm trong cơ quan thông qua các buổi giao ban, toạ đàm chuyên môn.
Một trong những nội dung được ngành Kiểm sát Thái Nguyên quan tâm thực hiện là xây dựng các chuyên đề về công tác cán bộ. Cụ thể: Năm 2020, Viện phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh xây dựng và tổ chức chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát nhóm tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em” và “Một số giải pháp hạn chế các quyết định hành chính bị khởi kiện, bị tòa án xét xử hủy”.
Năm 2021 có các chuyên đề: “Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”; “Kỹ năng phát hiện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại của tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của Viện KSND hai cấp” và “Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các giải pháp thực hiện”.
Bà Trần Thị Ngọc Hoa, Trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ, Viện KSND tỉnh, thông tin thêm: Gắn với thực tế công tác, hằng năm Viện KSND tỉnh còn tổ chức các cuộc thi để tạo sân chơi nghiệp vụ bổ ích cho cán bộ, công chức trong Ngành. Đáng chú ý là các cuộc thi: “Xây dựng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự và hôn nhân - gia đình”; thi viết cáo trạng và năm 2022 dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi viết luận tội.
Theo lãnh đạo Viện KSND tỉnh, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyên môn, cùng với việc “nâng chất” cán bộ, Viện sẽ quan tâm sắp xếp bộ máy, quy hoạch và luân chuyển cán bộ, kiểm sát viên để tạo môi trường rèn luyện và có kiến thức thực tế; thường xuyên phân công kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp công chức mới được tuyển dụng, kiểm sát viên, kiểm tra viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ cũng phải chủ động việc tự học tập, trao đổi với đồng nghiệp, cán bộ tòa án, công an để đưa ra giải pháp hiệu quả, khả thi nhất.