Chiều 23-5, tại Toà án nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến (ảnh).
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Thọ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số cơ quan liên quan.
Nghị quyết số 33/2021/QH15 quy định, Toà án nhân dân được tổ chức phiên toà trực tuyến để xét xử sở thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ rõ ràng. Điều này nhằm giúp xét xử nhanh chóng, kịp thời; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại.
Mặc dù tổ chức trực tuyến nhưng việc thực hiện xét xử vẫn bảo đảm công khai, liên tục, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, liên ngành Tư pháp Trung ương đã ký Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tại Hội nghị, đại diện Toà án nhân dân tỉnh đã trình bày kết hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15. Kế hoạch đề ra lộ trình cụ thể việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực; đầu tư, lắp đặt trang thiết bị; tập huấn và dự kiến tổ chức một phiên toà trực tuyến mẫu để rút kinh nghiệm vào quý III hoặc IV năm nay.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; tiến hành khảo sát đầy đủ trực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị để có giải pháp đầu tư phù hợp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong xét xử cho những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là cán bộ ngành Tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên toà trực tuyến.