Cảnh giác với “công ty ma” và các thủ đoạn lừa đảo qua mạng

11:21, 02/06/2022

Vì muốn có thêm thu nhập nên khi lướt mạng xã hội thấy thông tin cho vay tiền, tuyển nhân viên,... một số người dân ở huyện Võ Nhai đã bị lừa đảo số tiền lớn. Không chỉ chuyển hết số tiền của mình, có người còn vay thêm để chuyển cho các đối tượng ở "công ty ma".

Ngày 28-3, anh Hoàng Văn T., (sinh năm 1993) trú tại xã Lâu Thượng (Võ Nhai) khi lướt Facebook thấy trang “Tài chính cổ phần Tín Việt” đã nhấp vào và nhận được trả lời của “nhân viên” tư vấn. Anh T. muốn vay 30 triệu đồng nên khi được tư vấn và gửi đường link thì làm theo hướng dẫn, điền đầy đủ thông tin để vay tiền qua “ví tiền điện tử”.

Sau khi điền thông tin, anh T. thấy trong “ví điện tử” báo có 30 triệu đồng, nhấn vào để rút tiền thì thấy thông báo bị lỗi nên không thể rút được. Anh T. hỏi “nhân viên” tư vấn và nhận được câu trả lời: Muốn nhận tiền thì phải chuyển vào 6 triệu đồng mới rút được.

Cũng vì muốn được vay số tiền này nên anh T. đã chuyển 6 triệu đồng theo yêu cầu và trong “ví điện tử” cũng hiển thị 36 triệu đồng, nhưng nhấn lệnh rút vẫn bị báo lỗi. Anh T. tiếp tục hỏi thì đối tượng nói phải chuyển tiếp 12 triệu đồng mới rút được. Vẫn tình trạng như trên, đối tượng lại yêu cầu anh T. chuyển tiếp 24 triệu đồng nhưng anh T. nói tài khoản chỉ còn 21 triệu đồng. Đối tượng đồng ý cho vay 3 triệu đồng để đủ số tiền nên anh T. đã chuyển nốt số tiền còn lại trong tài khoản...

Nhìn thấy tiền trong ví điện tử hiển thị 69 triệu đồng nhưng vẫn không thể rút được về, lúc này anh T. mới chợt tỉnh và nhận ra mình không thể “vay” được tiền và lấy lại số tiền đã chuyển (39 triệu đồng).

Anh Hoàng Văn A. (sinh năm 1980, trú tại xã La Hiên) cũng bị lừa đảo qua mạng với số tiền lớn. Một ngày cuối tháng 3-2022, lúc đó dịch COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng, do chưa có việc làm, ở nhà lướt Facebook thấy mục tìm kiếm việc làm online nên anh A. đã nhấn vào đăng ký.

Sau khi kết bạn trên Zalo, các đối tượng đưa anh A. vào nhóm để nắm bắt cách thức làm việc. Để tạo lòng tin, chúng còn gửi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty CP Thương mại điện tử Shopee do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp).

Công việc của anh A. trong ngày đầu tiên tham gia “làm việc” tại đây chỉ là like, tăng độ tương tác sản phẩm trên trang Web và hôm đó được trả vào tài khoản 200.000 đồng. Ngay sau đó, đối tượng bảo anh A. sang làm nhiệm vụ chuyển tiền mua sản phẩm, thực hiện xong nhiệm vụ sẽ được nhận lại cả số tiền gốc và hoa hồng.

Lần đầu mua sản phẩm (theo như chúng giải thích là để khách hàng thấy nhiều người mua sản phẩm đó) với mức 180.000 đồng và được trả cả số tiền gốc và hoa hồng là 207.000 đồng. Sau đó chúng yêu cầu anh A. thực hiện tiếp nhiệm vụ (mỗi nhiệm vụ có hai sản phẩm)…

Chờ không thấy tiền về tài khoản, anh Hoàng Văn A. đã nhắn tin, gọi điện hỏi các “nhân viên của Shopee” thì được trả lời là do thực hiện quá thời gian làm nhiệm vụ nên phải làm bù thêm nhiệm vụ khác. Do nóng lòng muốn lấy lại số tiền gốc đã chuyển nên anh A. đã làm theo hướng dẫn. Mới đầu chỉ là vài triệu đồng, cứ thế, số tiền chuyển vào tài khoản “để làm nhiệm vụ” cho các đối tượng cứ tăng theo cấp số nhân.

Nóng lòng lấy lại số tiền gốc nên anh A. đã nhiều lần chuyển tiền cho các đối tượng (riêng những lần cuối cùng chuyển tiền, anh A. đã chuyển cho tài khoản có tên Ngô Thanh Long 32,5 triệu đồng; chuyển cho Lê Tùng Dương trên 47,5 triệu đồng; Nguyễn Văn Nam số tiền 91,6 triệu đồng).

Anh Hoàng Văn A. nói: “Lúc ấy do tiếc tiền, mất hết lí trí nên tôi làm theo yêu cầu của chúng chỉ mong sao lấy lại được số tiền gốc”. Ngoài số tiền tích cóp được sau nhiều năm chịu khó làm ăn, anh A. còn vay của chị gái 160 triệu đồng và vay của bạn bè hàng chục triệu đồng. Vậy là chỉ trong ba ngày đầu tháng 4-2022, anh A. đã chuyển vào tài khoản cá nhân của các đối tượng số tiền lên tới trên 500 triệu đồng....

Chỉ khi số tiền hơn nửa tỷ bạc “không cánh mà bay”, anh Hoàng Văn A. mới gọi điện cho hệ thống SHOPEE (SHOPEE VIETNAM) và nhận được câu trả lời: Công ty không nhận nhân viên làm việc theo cách thức đó (!).

Cũng tương tự anh Hoàng Văn A., chị Lương Thị Thùy T. ở thị trấn Đình Cả cũng lướt Facebook nhấn vào trang Huyền Trang HR-TMĐT và nhận được tư vấn kết bạn với nick Zalo Mai Linh - chuyên viên hỗ trợ PAO của Shopee và cũng “làm nhiệm vụ”. Cả thảy ba lần thực hiện “nhiệm vụ”, chị Lương Thị Thùy T. đã chuyển khoản cho các đối tượng trên 256 triệu đồng…

Chỉ trong khoảng chục ngày đầu tháng 4-2022, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có 6 người (được ghi nhận) trở thành nạn nhân của những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với số tiền lên đến gần 900 triệu đồng.

Ngoài phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả danh làm chuyên viên hệ thống SHOPEE như đã nói ở trên, chúng còn mạo danh cơ quan nhà nước, đặc biệt là mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để nhắn tin, gọi điện thông báo các lỗi vi phạm, lệnh bắt giữ, đơn tố cáo… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền “chạy tội”, như trường hợp của chị Phạm Thị Y. ở thị trấn Đình Cả.

Thiếu tá Lâm Thị Nhung, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Võ Nhai) cho biết: Các thủ đoạn tuy không mới nhưng do các đối tượng biết đánh vào lòng tham, sự mất cảnh giác cũng như nhận thức còn hạn chế của một số người dân nên đã có không ít người trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua nắm tình hình thực tế của chúng tôi, có nhiều người dân sử dụng smart phone nhưng không thường xuyên vào xem, nghe tin tức thời sự của những kênh truyền thông chính thống mà lại dành thời gian lướt Facebook, Zalo. Vì vậy, Công an huyện đã xây dựng kênh Podcast tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung, của tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng, phát trên đa nền tảng bao gồm cả Facebook, Zalo để người dân có thể nghe mọi lúc, mọi nơi.

Cũng theo Thiếu tá Lâm Thị Nhung, qua 2 số với chủ đề “Tỉnh táo với thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng” được phát trên kênh Toàn dân Podcast của Công an huyện Võ Nhai, số người dân trên địa bàn bị lừa đã giảm rất nhiều.

Qua những vụ việc như trên, người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn tương tự, để tự bảo vệ bản thân, gia đình, tránh bẫy lừa đảo trên mạng.