Việc phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, góp phần bảo vệ các em trước những mặt trái của cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống, nhân cách là điều vô cùng cần thiết. Để đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc tích cực của cả xã hội, trong đó quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Vào cuộc tích cực nhưng chưa đủ
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tội phạm trong thanh, thiếu niên. Đáng chú ý là Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, trật tự xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (giai đoạn 2021-2025). Trong đó xác định lấy phòng ngừa là căn bản, đặt mục tiêu trung bình mỗi năm kiềm chế và kéo giảm từ 5-7% tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Thực hiện kế hoạch của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể đã vào cuộc tích cực, tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông, giáo dục, phòng ngừa.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh thông tin: Riêng trong năm 2021, Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền điểm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp in, treo, niêm yết hơn 20 nghìn tờ rơi có nội dung về thủ đoạn tội phạm, nhất là các vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Xuất phát từ thực tế tình hình tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) 2 cấp của tỉnh cũng đã ban hành nhiều kiến nghị phòng ngừa liên quan đến tội phạm vị thành niên.
Ông Lưu Thanh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đại Từ cho biết: Tháng 2-2022, thông qua giải quyết đơn tố giác và kiểm sát khởi tố, điều tra án hình sự, Viện KSND huyện đánh giá: Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là có một số trường hợp vi phạm là người dưới 18 tuổi. Chính vì vậy, Viện KSND huyện ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn; thiết lập mối liên hệ với các trường học, trung tâm giáo dục, dạy nghề để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình và bản thân các em học sinh.
Các sở, ngành, đoàn thể cũng đã triển khai nhiều cách làm, mô hình phù hợp với nội dung phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Đáng chú ý là: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội duy trì hoạt động của Tổng đài tư vấn miến phí của tỉnh 1800.8080; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án “Phòng, chống tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên”; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử văn hoá trong gia đình tại khu vực đông dân cư thuộc các huyện, thành phố; Đoàn Thanh niên các cấp tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong giới trẻ thông qua những buổi giao lưu, ngoại khoá, hội thi văn nghệ…
Tạo mối gắn kết giữa gia đình và nhà trường
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ nhưng tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên vẫn diễn biến phức tạp.
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi chưa thành niên có sự phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí muốn “nổi loạn”, thiếu hụt các kỹ năng sống nên dễ có hành vi bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí.
Môi trường gia đình và trường học có tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới phát triển của giới trẻ. Thực tế là một số trường học chưa có nhiều giải pháp hiệu quả và quan tâm đúng mức cho quản lý, giáo dục và giúp đỡ học sinh cá biệt; sự phối hợp trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường còn thiếu chặt chẽ; chưa có nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, từ đó các em dễ bị tác động, bị lợi dụng, lôi kéo từ đối tượng xấu ngoài xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “trẻ hóa” tội phạm, điều quan trọng nhất là tạo sự gắn kết, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý chặt chẽ con em mình.
Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm đến con toàn diện hơn, không chỉ việc học mà cả vui chơi, giải trí. Nhà trường, ngoài giáo dục văn hóa còn phải là nơi trang bị cho giới trẻ những kiến thức pháp luật, kỹ năng mềm để thích nghi với môi trường xã hội.
Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Bởi, khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các hành vi phạm tội của thanh, thiếu niên phải đưa ra xử lý kịp thời, nghiêm minh.