Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), tình hình tội phạm giết người thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Tuy chiếm tỷ lệ thấp so với cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội, nhưng loại tội phạm này lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Do đó cần phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.007 vụ giết người và trong quý I năm 2022 xảy ra 281 vụ, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ giết người, hậu quả làm chết 4 người, 1 người bị thương. Cụ thể, đầu tháng 1, tại xóm Lưu Quang 1, xã Minh Tiến (Đại Từ), do bị chồng thường xuyên đánh đập, Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1957, đã dùng búa đinh sát hại chồng là ông N.V.N. Vụ thứ hai, vào giữa tháng 2 năm nay, do mâu thuẫn cá nhân trong việc vay nợ tiền, Lê Văn Hữu, sinh năm 1981, đã dùng súng bắn thương vong 2 người sau đó tự sát. Vụ vệc xảy ra tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Vụ còn lại là trường hợp của Nguyễn Văn Long, sinh năm 1984, sau khi uống rượu say, cãi nhau với bố đẻ là ông N.V.L, Long đã dùng gậy gỗ đánh nhiều nhát làm ông L. tử vong. Vụ việc xảy ra cuối tháng 5 vừa qua tại xóm Trung Tâm, xã Thanh Định (Định Hoá).
Đánh giá của BCĐ 138/CP, hầu hết các vụ án giết người xảy ra thường xuất phát từ các mâu thuẫn như: Tranh chấp đất đai, tài sản; ghen tuông tình ái; mâu thuẫn gia đình; bột phát khi sử dụng rượu bia, tham gia giao thông… Trước thực tế này, BCĐ yêu cầu phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.
Đối với Thái Nguyên, BCĐ 138 cấp tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và BCĐ 138 cấp huyện thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tội phạm, phấn đấu giảm tối đa các loại tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng.
Trước tiên là cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và qua người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.
Tiếp tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao trách nhiệm các tổ hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời, triệt để mâu thuẫn trong cộng đồng, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
Tập trung xây dựng, nhân rộng điển hình trong phòng, chống tội phạm, nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng, tự vệ ở cơ sở, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội.
BCĐ 138 cấp tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm, nhất là các băng nhóm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, liên quan đến “tín dụng đen”. Tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời các hành vi bạo lực, côn đồ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án. Tích cực quản lý, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như: nghiện ma túy, “ngáo đá”, trường hợp mới được đặc xá, tha tù… Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây dư luận xã hội. Phối hợp lựa chọn một số vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động, công khai để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung...