Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới người dân về hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua các phiên tòa xét xử lưu động.
3/4 vụ án được TAND thành phố đưa ra xét xử lưu động ngày 2-6 vừa qua ở phường Hoàng Văn Thụ đều là án ma túy đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến dự.
3 bị cáo trong 3 vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đều có vợ và con nhỏ nhưng không tu chí làm ăn, xây dựng hạnh phúc gia đình mà lại sa ngã vào con đường nghiện hút để rồi vi phạm pháp luật. Có bị cáo vừa ra tù chưa lâu về đã lại tiếp tục tái phạm.
Tại phiên tòa, các thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên đã phân tích để bị cáo và nhân dân hiểu hiểm họa từ ma túy; việc nghiện hút và sử dụng ma túy ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của chính bản thân và gia đình như thế nào.
Dự phiên tòa, chúng tôi nhận thấy, 3 vụ án được xét xử công khai với mức án thích đáng đối với các bị cáo, được người dân đánh giá cao về hiệu ứng tuyên truyền, tính răn đe pháp luật.
Ông Lý Chấn Sơn, tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ, cho biết: Theo dõi phiên tòa, chúng tôi hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến ma túy cũng như sự nguy hiểm của tội phạm này. Đồng thời giúp tôi và người dân nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật để cảnh báo, giáo dục con em mình không vi phạm.
Ông Lê Quý My, Chánh án TAND TP. Thái Nguyên cho biết: Hàng năm, số lượng án ma túy của TP. Thái Nguyên khoảng 300 vụ. Mỗi năm, TAND thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức khoảng 30-35 vụ án xét xử lưu động ở nhà văn hóa xóm, tổ dân phố hay hội trường các xã, phường (có đợt cao điểm lên tới 50 vụ/năm, chủ yếu là án ma túy).
Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên trong một phiên xét xử lưu động.
Riêng năm 2021, để đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch COVID-19 nên TAND thành phố không tổ chức phiên tòa lưu động. Thực tế, những phiên xét xử tại hội trường tòa án thường không đông, còn khi xử lưu động thường có nhiều người dân tham dự, nhất là khi đối tượng bị xét xử là người địa phương.
Để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, việc tổ chức xét xử các vụ án lưu động tại nơi xảy ra vụ án được TAND TP. Thái Nguyên hết sức chú trọng, coi đây là một kênh thông tin để người dân tiếp cận với pháp luật một cách thuận tiện, dễ hiểu nhất.
Việc xử án lưu động tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với cơ quan xét xử, củng cố niềm tin vào pháp luật, chính quyền và Tòa án. Xét xử lưu động cũng thể hiện tính công khai, minh bạch, nhân dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó, thời gian qua, TAND thành phố đã lựa chọn án điểm, xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương để chuẩn bị cho các phiên tòa lưu động diễn ra thuận tiện, đạt chất lượng tốt nhất.
Thống kê của TAND thành phố, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đưa ra xét xử lưu động 10 vụ án hình sự, trong đó có 9 vụ liên quan đến ma túy, địa điểm tổ chức ở hội trường UBND các xã, phường.
Các án được chọn đều liên quan đến tội tàng trữ trái phép chất ma túy và có người phạm tội ở địa bàn tổ chức xét xử. Nhìn chung, khi tham dự phiên tòa, người dân được nghe những phân tích, đánh giá, đấu tranh của kiểm sát viên và hội đồng xét xử về những hành vi nguy hiểm, thủ đoạn của tội phạm; hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật, cũng như lấy đó làm bài học để răn dạy con em, thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật; tích cực, chủ động hơn trong việc tố giác tội phạm, cung cấp nhiều thông tin giá trị cho cơ quan công an để đấu tranh với các loại tội phạm…