Chủ động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

06:46, 06/07/2022

Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đồng thời trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra. Hoạt động này đã góp phần tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Nói về công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL thì nổi bật và hiệu quả nhất là từ khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án). Gần đây, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL và tổ chức thi hành pháp luật.

Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, ngày 29-6 vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị này, trong đó nhấn mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo, đảm bảo thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo hoạt động tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Các cấp, các ngành có nhận thức rõ ràng hơn, coi nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản là việc quan trọng, thường xuyên và ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát văn bản theo ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh.

Kết quả, cấp tỉnh đã tự kiểm tra được 232 văn bản, phát hiện 10 văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định, 16 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Cấp tỉnh đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.882 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, phát hiện 12 văn bản có nội dung chưa phù hợp, 150 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.

Cùng với đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện rà soát 1.434 văn bản QPPL, kiến nghị xử lý 209 văn bản.

Đặc biệt, Sở đã giúp HĐND, UBND cấp huyện rà soát toàn bộ văn bản QPPL ban hành từ năm 1997 đến năm 2019 với trên 1.000 văn bản. Hoạt động này đã giúp HĐND, UBND cấp huyện nhận diện được toàn bộ hệ thống văn bản QPPL do mình ban hành, đồng thời loại bỏ khỏi hệ thống nhiều văn bản không chứa QPPL nhưng có thể thức và ban hành theo trình tự, thủ tục như văn bản QPPL.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên nhận diện, quản lý được toàn bộ hệ thống văn bản QPPL do các cấp chính quyền ban hành. Thông qua kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, từ năm 2017 đến hết năm 2020, tỉnh đã công bố 739 văn bản QPPL hết hiệu lực, 63 văn bản hết hiệu lực một phần, đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống văn bản pháp luật.

Trên cơ sở kết quả sau thực hiện Đề án, từ năm 2021 đến nay, công tác tự kiểm tra văn bản tiếp tục được UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, 100% văn bản QPPL ban hành được tự kiểm tra theo quy định.

Cùng với hoạt động kiểm tra văn bản do các địa phương gửi đến, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác xây dựng văn bản QPPL trực tiếp kiểm tra tại một số sở và địa phương cấp huyện. Riêng năm 2021, Đoàn đã tiến hành kiểm tra trên 470 văn bản các loại. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã rà soát trên 460 văn bản QPPL, kiến nghị xử lý 20 văn bản.

Có thể nói, công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản QPPL của tỉnh ban hành đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Các văn bản ban hành được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy Nhà nước; góp phần tích cực vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật của chính quyền các cấp.