Giáo dục pháp luật qua mạng xã hội: Kênh thông tin phù hợp, hiệu quả

08:32, 02/07/2022

Nắm bắt xu hướng và thói quen sử dụng mạng xã hội, các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh đã lập nhiều trang thông tin trên các ứng dụng nhằm phổ biến pháp luật và lan toả thông tin chính thống đến nhân dân. Đây là một trong những kênh tuyên truyền phù hợp và hiệu quả, giúp người dân nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Gần 10 năm đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ dân phố Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương), bà Hoàng Thị Lộc thường biên tập các nội dung thông tin, văn bản pháp luật để đọc trên hệ thống loa truyền thanh của khu dân cư. “Ngoài sách, báo và các tài liệu do cấp trên cung cấp, tôi còn tham khảo từ các trang mạng xã hội, tất nhiên là phải từ những địa chỉ tin cậy” - bà Lộc cho biết.

Đơn cử như mới đây, trên trang “An ninh Thái Nguyên” chia sẻ thông tin tại một số địa phương xuất hiện tình trạng có đối tượng xin trả tiền rồi chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân của người dân, bà Lộc đã thông báo trên loa truyền thanh, chia sẻ trong nhóm Zalo chung với gần 100 thành viên của khu dân cư để người dân biết, nâng cao cảnh giác không để lộ lọt thông tin cho đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trang “An ninh Thái Nguyên” trên Facebook hiện có 25.000 người theo dõi, thường xuyên chia sẻ các bài viết của Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và cung cấp thông tin về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Cùng với trang này, hiện lực lượng Công an còn duy trì hoạt động 184 fanpage và 11 nhóm công khai trên mạng xã hội của công an các địa phương, đơn vị. Nội dung đăng tải là các thông tin chính thống, tích cực; lan toả gương người tốt, việc tốt để định hướng dư luận và đan xen bài viết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, các trang này đã đăng tải gần 7.000 lượt bài viết, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dân trong toàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, mạng xã hội có ưu điểm không bị giới hạn về không gian và thời gian, khả năng tiếp cận dễ dàng và ngày càng có nhiều người sử dụng. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã chú trọng việc dùng Zalo, Facebook như một kênh thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quy định liên quan đến ngành, lĩnh vực mình. Mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động tham gia trở thành một tuyên truyền viên trong quá trình đăng tải, chia sẻ thông tin. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần định hướng hành vi của mỗi người.

Có thể kể đến những trang có lượng theo dõi, tương tác khá lớn như: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên” có 7.300 người theo dõi; Báo Thái Nguyên có hơn 20.000 người theo dõi, chia sẻ hàng chục bài viết, thông tin hữu ích mỗi ngày; "Trung tâm trợ giúp người lao động" - Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên thường xuyên cập nhật thông tin mới về chế độ chính sách của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Công đoàn và hỗ trợ, tư vấn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động…

Một điểm đáng chú ý là nhiều cộng đồng dân cư, đoàn thể ở cơ sở cũng lập nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công việc của tập thể, phố biến văn bản, chính sách mới và lan toả các nội dung tích cực. Thông qua mạng xã hội, bên cạnh việc tuyên truyền, định hướng dư luận, nhiều thông tin có giá trị từ người dân cũng được tiếp nhận kịp thời và cung cấp cho đơn vị chức năng xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, lực lượng Công an các địa phương đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội để phát động và triển khai hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.