Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp của tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các phiên toà hình sự; bảo đảm việc xét xử chính xác, công bằng, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích có đồng phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện”. |
VKSND huyện Đồng Hỷ vừa phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm tại Trung tâm văn hoá xã Hợp Tiến về vụ án xét xử bị cáo T.H.V tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Tại phiên toà, kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng theo đúng quy định, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị cáo cũng như người tham gia tố tụng.
Việc chuẩn bị kỹ nội dung cũng khiến việc đặt câu hỏi có trọng tâm, góp phần giúp hội đồng xét xử nhận định, đánh giá toàn diện vụ án, đưa ra luận cứ thuyết phục để xem xét, quyết định. Kết thúc phiên toà, các thành viên tiến hành họp rút kinh nghiệm; trao đổi, nâng cao kỹ năng của kiểm sát viên, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế, việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành Kiểm sát nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử nói chung, trong đó các vụ án hình sự.
Riêng năm 2022, Ngành đã phối hợp tổ chức 430 phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự, tăng 151 phiên so với năm 2021. Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo VKSND tỉnh đã trực tiếp tham gia xét xử 3 vụ; lãnh đạo VKSND cấp huyện trực tiếp tham gia xét xử 184 vụ, tăng 82 vụ so với năm 2021 (vượt 113 phiên so với chỉ tiêu của Ngành); 100% các đơn vị thuộc hai ngành Tòa án và Kiểm sát thực hiện tốt quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành.
Đáng chú ý, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã kiểm sát giải quyết xét xử 1.664/1.849 vụ án hình sự sơ thẩm, đạt tỷ lệ 91,2% (tăng 2,3% so với năm 2021); 156/181 vụ án hình sự phúc thẩm, tỷ lệ đạt 86% (tăng 3,1%). Không có trường hợp viện kiểm sát truy tố nhưng tòa án xét xử tuyên không phạm tội. Đồng thời kiểm sát 100% bản án, quyết định của tòa án và biên bản phiên toà; lập phiếu kiểm sát theo quy định.
Phối hợp với cơ quan điều tra và tòa án hai cấp xác định 277 vụ án trọng điểm, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn 7 vụ án đủ điều kiện. Thông qua kiểm sát xét xử tại phiên toà, VKSND 2 cấp đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, qua đó ban hành 20 kiến nghị khắc phục, 6 kháng nghị phúc thẩm và 5 báo cáo đề nghị VKSND cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền. 100% kiến nghị, kháng nghị đều được toà án chấp thuận.
Cùng với kết quả nêu trên, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự.
Cụ thể, năm 2022 là chuyên đề: “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích có đồng phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện” và cuộc thi Viết luận tội; phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh”.
Trước đó là các chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự”; “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế”…
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, thời gian tới, ngành Kiểm sát tỉnh tiếp tục phối hợp giữa các cấp kiểm sát, giữa hai ngành Toà án và Kiểm sát, cũng như với các cơ quan hữu quan; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Viện và của phòng nghiệp vụ trong công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, đặc biệt chú trọng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND cấp huyện. Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin