Gia tăng trẻ vị thành niên phạm pháp: Nguyên nhân từ nhiều phía

Duy Phương 15:02, 23/02/2023

Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tại nhiều địa phương trong tỉnh trở thành mối lo ngại, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.

Đầu tháng 2-2023, Công an TP. Sông Công đã bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự 31 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, trong đó có nhiều người dưới 18 tuổi. Ảnh: Cẩm Duyên.
Đầu tháng 2-2023, Công an TP. Sông Công đã bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự 31 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, trong đó có nhiều người dưới 18 tuổi. Ảnh: Cẩm Duyên.

Số liệu từ Công an tỉnh cho thấy, giai đoạn 2021-2022, người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh liên quan đến 142 vụ/270 đối tượng (tăng 34 vụ/83 đối tượng so với giai đoạn 2019-2020). Đáng chú ý, tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên là trộm cắp tài sản (44 vụ/64 đối tượng) và cố ý gây thương tích (36 vụ/90 đối tượng). Cùng với gia tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên.

Liên quan đến tội phạm là người dưới 18 tuổi, cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố 63 vụ/99 bị can; xử lý hành chính 60 vụ/131 đối tượng, số vụ đang xác minh và xử lý khác là 21 vụ. Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý 80 vụ/116 bị cáo, xét xử 78 vụ/114 vụ.

Điển hình là ngày 13-2 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Sông Công đưa ra xét xử sơ thẩm 4 bị cáo liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn phường Bách Quang, TP. Sông Công, ngày 27/7/2022. Trong số 4 đối tượng, có Đào Đức M., sinh năm 2006, xóm Ngọc Sơn, xã Điềm Thụy (Phú Bình).

Theo cáo trạng: Khoảng 1 giờ ngày 27/7/2022, nghe theo lời rủ rê của nhóm 3 thanh niên “Đi chơi cùng bọn anh xong đi cướp luôn”, Đào Đức M. đã đồng ý, sử dụng xe mô tô đem theo mặt nạ và dao bầu đi từ Khu công nghiệp Điềm Thụy đến ngã tư Khu công nghiệp Sông Công 1.

Trên đường đi, các đối tượng gặp anh Trần Văn B. điều khiển xe máy biển kiểm soát 20E1 - 382…, có chở 1 người phía sau, nên đã chặn đầu xe, làm xe của anh B. đổ xuống đường.

Tại đây, M. cùng 3 thanh niên đi cùng đã đánh anh B., khiến anh hoảng sợ bỏ xe và chạy về phía đường tròn TP. Sông Công. Sau đó, Đào Đức M. cùng cả nhóm về TP. Thái Nguyên, mang chiếc xe cướp được đi cầm cố lấy hơn 4 triệu đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Căn cứ các tình tiết, Hội đồng xét xử tuyên phạt Đào Đức M. sinh năm 2006, tính đến ngày phạm tội chưa đủ 16 tuổi, mức án 3 năm 6 tháng tù.

Không riêng địa bàn Sông Công, tại TP. Thái Nguyên thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ việc người chưa 18 tuổi vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý.

Thông tin từ Công an TP. Thái Nguyên: Năm 2021-2022, đơn vị phát hiện và tiếp nhận 25 vụ/52 đối tượng vi phạm pháp luật là người chưa thành niên; đã khởi tố 6 vụ/20 bị can, không khởi tố 15 vụ, phạt tiền 23 đối tượng, cảnh cáo 12 đối tượng.

Qua phân tích, tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi là trộm cắp tài sản (chiếm 48%) và cố ý gây thương tích (chiếm 28%).

Điển hình như vụ trộm cắp tài sản trị giá khoảng 500 triệu đồng do Nguyễn Tiến H., sinh năm 2009 và Nguyễn Anh T., sinh năm 2007 cùng ở tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), gây ra đầu tháng 2 vừa qua.

Mới 14 tuổi nhưng Nguyễn Tiến H., phường Lương Sơn (TP. Sông Công), đã rủ bạn trộm cắp 17 chiếc điện thoại của anh rể.
Mới 14 tuổi nhưng Nguyễn Tiến H., phường Lương Sơn (TP. Sông Công), đã rủ bạn trộm cắp 17 chiếc điện thoại của anh rể.

Đang là học sinh xong Nguyễn Tiến H. và Nguyễn Anh T. không tập trung học hành mà mải chơi, thích tụ tập, lêu lổng. Để có tiền tiêu xài cùng nhóm bạn, H. đã rủ T. đến nhà anh rể mình ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) lấy trộm 17 chiếc điện thoại Iphone 14 Pro Max.

Cơ quan Công an đã khởi tố Nguyễn Anh T. về tội “Trộm cắp tài sản”, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đối với Nguyễn Tiến H. để gửi về địa phương quản lý, giáo dục.

Qua điều tra và xét xử các vụ án, lực lượng chức năng đánh giá, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trẻ hóa” tội phạm. Ngoài lý do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động thì nguyên nhân đầu tiên là thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, quản lý của gia đình.

Không ít trường hợp thiếu niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình éo le như bố mẹ ly hôn, phạm pháp hình sự, rượu chè, cờ bạc, bị bạo lực gia đình khiến các em ít được quan tâm, dạy bảo.

Nhiều gia đình, bố mẹ mải làm ăn, chỉ quan tâm đến việc chu cấp về vật chất mà chưa để ý tâm tư, tình cảm của trẻ. Trong khi đó, công tác quản lý học sinh ở một số nhà trường còn lỏng lẻo. Hậu quả là các em hình thành lối sống tự do, buông thả, lười biếng, bỏ học, ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ, dễ bị lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn xã hội, phạm tội.

Mặt khác, văn hóa phẩm độc hại, nhất là ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng cũng đã tác động trực tiếp đến một bộ phận trẻ chưa thành niên.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ hoá tội phạm cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Trong đó có vai trò quan trọng của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội trong việc định hướng tư tưởng, quản lý, giáo dục con em mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cũng cần được các ngành chức năng và nhà trường phối hợp với gia đình thực hiện chặt chẽ hơn nữa…