Thời gian qua, kết quả thi hành án dân sự (THADS) không ngừng được nâng lên, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được Ban Chỉ đạo cũng như cơ quan THADS hai cấp của tỉnh quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm do những nguyên nhân khác nhau... Đó là thực tế được nhìn nhận qua cuộc khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh tại các cơ quan THADS để phục vụ cho phiên chất vấn tại kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh.
Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc tại Cục THADS tỉnh để phục vụ cho phiên chất vấn tại kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. |
Một trong những vụ việc như vậy là trường hợp tổ chức thi hành án trong vụ Ngô Văn Tân - Lưu Thị Phương, ở xã Ký Phú (Đại Từ). Theo nội dung Bản án dân sự phúc thẩm số 45/2018/DSPT ngày 11/9/2018 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, ông Ngô Văn Tân và bà Lưu Thị Phương phải thanh toán cho ông Lê Văn Sơn, trú tại thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) số tiền 1,69 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án cùng án phí trên 69 triệu đồng.
Trong quá trình thi hành án, cơ quan THADS đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Các quyết định, thông báo về thi hành án đã giao cho ông Tân và bà Phương nhưng đương sự không tự nguyện thi hành. Chấp hành viên đã ban hành quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản, tổ chức việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản và chuyển thẩm định giá, bán đấu giá theo quy định của Luật THADS, Luật Đấu giá.
Người mua trúng đấu giá tài sản là ông Vũ Văn An (ở xã Văn Yên, Đại Từ) và đã nộp đủ số tiền trên 2 tỷ đồng. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cơ quan THADS đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với ông Tân, bà Phương.
Cơ quan THADS nhiều lần triển khai việc tổ chức cưỡng chế nhưng đến nay chưa được thực hiện. Lý do là có vấn đề khiếu kiện liên quan đến vụ việc và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; có khiếu kiện ra TAND huyện Đại Từ; vì một số vấn đề cần làm rõ và do tình hình chính trị địa phương… Năm 2021, Cục THADS tỉnh rút hồ sơ để tổ chức cưỡng chế thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ngoài vụ việc trên, còn 369 vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng đã kéo dài từ 1 năm trở lên đang được cơ quan thi hành án giải quyết, trong đó có một số vụ việc gặp khó khăn, như các vụ: Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên); vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên; vụ việc liên quan đến Công ty CP Vận tải Bình An (phường Bách Quang, TP. Sông Công)…
Các vụ việc kéo dài vì nhiều lý do, như: Quyền sở hữu tài sản theo lệnh kê biên không còn; tài sản của người phải thi hành án nằm trong dự án quy hoạch, chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường; tài sản không tương xứng với nghĩa vụ thi hành án (quá nhỏ hoặc quá lớn so với số tiền phải thi hành án); tài sản kê biên có tranh chấp, đang khởi kiện ra tòa…
Bên cạnh những nguyên nhân làm vụ việc kéo dài như đã nêu trên còn có một số vụ việc khiến cơ quan THADS khó thi hành do bản án tuyên không rõ ràng hoặc trong quá trình xét xử vụ án tòa án không thực hiện đầy đủ các thủ tục xác minh, đo đạc, kiểm tra hiện trạng đất…
Đơn cử như vụ bà Nguyễn Thị Hà (ở phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên). Theo quyết định của Tòa, bà Hà phải trả cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tính đến 9-2018 toàn bộ khoản nợ trên 1 tỷ đồng cùng lãi suất theo quy định đến khi thi hành xong án. Do bà Hà không có khả năng chi trả nên cơ quan THADS đã tiến hành kê biên, phát mại tài sản là một thửa đất tại phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) theo đề nghị của Ngân hàng được nêu trong bản án.
Tuy nhiên, khi tiến hành đo đạc hiện trạng thửa đất, Chi cục THADS TP. Thái Nguyên phát hiện có sự sai lệch số liệu giữa tổng diện tích với số đo các cạnh ghi trong sơ đồ thửa đất và thiếu 100m2 so với diện tích thực tế của thửa đất cũng như hợp đồng chuyển nhượng ban đầu của thửa đất. Nguyên nhân là trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án đã không tiến hành xác minh, đo đạc, kiểm tra hiện trạng thửa đất, không thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp…
Liên quan đến những vụ việc trên, các thành viên Đoàn khảo sát đã đề nghị đại diện cơ quan THADS giải trình, nêu rõ những khó khăn, thuận lợi cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới. Theo đó, hầu hết các vụ việc đã được cơ quan THADS đưa ra phân tích đánh giá, đưa ra phương án giải quyết hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo THADS tỉnh.
Điển hình như vụ Ngô Văn Tân - Lưu Thị Phương đã nhiều lần được Ban Chỉ đạo THADS tỉnh họp cho ý kiến, đưa ra biện pháp thi hành. Cục THADS tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các cấp, ngành, địa phương có liên quan để thống nhất thực hiện việc tổ chức cưỡng chế. Hiện, Cục THADS đã xây dựng dự thảo kế hoạch cưỡng chế, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan ban, ngành để hoàn thiện, ban hành kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế trong thời gian tới theo quy định.
Hoặc như vụ Nguyễn Thị Hà, để có thể giải quyết dứt điểm, Chi cục THADS TP. Thái Nguyên đã có văn bản kiến nghị xem xét giám đốc thẩm để bản án cuối có quyết định cụ thể, rõ ràng làm sơ ở thi hành khi có hiệu lực…
Qua đợt khảo sát vừa qua, một số vấn đề, vụ việc dự kiến sẽ được lựa chọn đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND sắp tới. Hy vọng từ đó, các vụ việc khó thi hành sẽ được quan tâm, tập trung giải quyết dứt điểm trong thời gian tới, gỡ “nút thắt” cho cơ quan THADS cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người liên quan, củng cố niềm tin của người dân với cơ quan công quyền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin