Vì "siêu lợi nhuận" nên có bị lực lượng chức năng bắt giữ, phải chịu hình phạt tù nghiêm khắc, các đối tượng tội phạm vẫn trăm phương ngàn kế tìm cách "tuồn" ma tuý vào Việt Nam hoặc trung chuyển ra nước ngoài.
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp đó, lực lượng phòng, chống ma tuý của Bộ Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng đang đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, chủ động ban hành kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa bắt giữ một đối tượng Vũ Văn Toản (sinh năm 1982, trú huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), là "mắt xích" quan trọng trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam; thu giữ tang vật 12.000 viên ma túy tổng hợp có trọng lượng 1,2kg. Ảnh minh họa. |
Thủ đoạn mới của tội phạm ma túy
Ngày 2/6, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (PC04), Phòng Kỹ thuật hình sự (PC09) của Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng được vận chuyển từ Pháp về Việt Nam qua đường hàng không. Lô hàng gồm 2 thùng hàng, tổng trọng lượng khoảng 30kg.
Việc kiểm tra này vốn từ trước đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không về kho hàng không kéo dài, lực lượng Hải quan Hà Nội nghi vấn lô hàng này có chứa ma túy. Kết quả khám lô hàng cho thấy, lực lượng chức năng phát hiện trong mỗi thùng hàng có 10 hộp màu vàng. Trong mỗi hộp có 1 túi nilon chứa tinh thể màu trắng nghi ketamin, tổng trọng lượng hơn 19kg. Số ketamine này được ngụy trang, cất giấu dưới đáy của các hộp cacao, sau đó phủ bằng một lớp bột cacao lên trên các túi và đóng gói tinh vi, trà trộn lẫn với bánh kẹo và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Lập tức, lực lượng Hải quan và Công an Hà Nội đã tiến hành xử lý, điều tra vụ việc. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều vụ phát hiện, bắt giữ ma tuý được vận chuyển trái phép theo đường hàng không từ nước ngoài, đặc biệt là từ châu Âu, vào Việt Nam thời gian qua.
Trước đó, ngày 1/6, khi đối tượng Ka-lim-ba-sa Fa-tu-mah (sinh năm 1965), quốc tịch U-gan-da đang làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Nội Bài đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04, Bộ Công an) phối hợp với lực lượng Hải quan bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ 5,6 kg cocain cùng nhiều vật chứng liên quan. Cũng tại sân bay Nội Bài, ngày 19/2, lực lượng chức năng bắt quả tang hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của Se-me-ga Ban-ga-lly, sinh năm 1987, quốc tịch Gam-bia khi đối tượng đang làm thủ tục quá cảnh. Tang vật thu giữ là 4,9 kg ma túy cocain cùng một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Ngày 30/1, Cục C04 phối hợp với lực lượng Hải quan bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của Aut-cha-ra Pim-pa-wa, sinh năm 1974, quốc tịch Thái Lan, khi đối tượng này đang làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tang vật thu giữ 2,4 kg ma túy cocain giấu trong 4 cuốn truyện để lẫn trong vali, cùng một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan...
Trao đổi về những diễn biến phức tạp này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan thành phố Hà Nội) Đinh Quang Huy cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường hàng không ngày càng tinh vi, liều lĩnh và phức tạp. Bên cạnh việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn từng bị phát hiện như trà trộn, ngụy trang, cất giấu trong mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, gần đây lực lượng chức năng còn phát hiện thủ đoạn cất giấu trong máy móc, thiết bị, đồ gia dụng hòng qua mặt lực lượng chức năng hoặc đóng trong các gói vật phẩm chứa định dạng dễ che giấu như sô-cô-la, túi cà phê hòa tan...
"Các đối tượng buôn bán lợi dụng gửi qua đường hành lý xách tay của khách nhập cảnh, xuất cảnh, du học sinh, người đi công tác tại nước ngoài, đặc biệt, có những vụ việc các đối tượng còn lợi dụng người nước ngoài mắc bệnh hiểm nghèo để vận chuyển ma túy nhập cảnh vào Việt Nam", ông Đinh Quang Huy cho biết.
Những xu hướng phức tạp
Nhận định của lực lượng Hải quan Hà Nội về những diễn biến phức tạp, tình hình vận chuyển trái phép chất ma tuý trên tuyến hàng không từ nước ngoài vào Việt Nam cũng phù hợp với đánh giá mới đây của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04, Bộ Công an).
Theo Cục C04, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục Hải Quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng tội phạm về ma tuý đã thuê các công ty logictic làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Những "ông trùm", "bà trùm" tổ chức tội phạm ma túy quốc tế triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động, chỉ đạo toàn bộ đường dây, kết nối toàn cầu mà không cần lộ diện trực tiếp. Đó là hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, Wechat, Signal..., sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài. Những thủ đoạn, chiêu trò này của các đối tượng tội phạm đã làm cho tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến đường bộ, đường biển, hàng không, bưu điện diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ.
"Bà trùm" Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh Hà) chính là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam; chỉ đạo các mắt xích ở trong nước tiếp tục hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Đánh giá những diễn biến đáng lo ngại của tội phạm về ma tuý, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cũng cho hay, thời gian qua, một lượng ma túy rất lớn vẫn được tập kết tại các địa bàn ngoại biên để tìm cách xâm nhập vào nước ta, gây áp lực lớn cho công tác phòng chống ma tuý của Bộ đội Biên phòng. Trên tuyến biên giới, mặc dù lực lượng chức năng đã xác lập nhiều chuyên án, bắt hàng chục đối tượng, thu giữ hàng trăm kg ma túy các loại, nhưng vì siêu lợi nhuận, các đối tượng ở bên kia biên giới vẫn tìm mọi cách thiết lập nhiều đường dây để vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam. Nổi lên là hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua biên giới các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam Bộ.
Các đối tượng vận chuyển ma túy được trang bị vũ khí quân dụng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy bắt. Trên tuyến biển, ngoài hoạt động vận chuyển ma túy từ nội địa ra địa bàn ven biển để đáp ứng nhu cầu mua bán, sử dụng, tiêu thụ ma túy thì đã hình thành tuyến vận chuyển ma túy trên biển.
Triệt đường dây tội phạm, xóa nguồn cung, giảm nguồn cầu
Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ; tội phạm ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng quy mô, tính chất phạm tội; địa bàn rộng và mang tính quốc tế cao hơn, các lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy đang đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, biện pháp nghiệp vụ cũng như hiệp đồng triệt xóa các đường dây tội phạm, xóa nguồn cung, giảm nguồn cầu.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04, Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý toàn quốc đã đấu tranh, khám phá thành công hơn 15.000 vụ, bắt giữ hơn 23.000 đối tượng, thu giữ hơn 300 kg heroin, hơn 2 tấn ma tuý tổng hợp, 66 kg thuốc phiện, 300 kg cocain, 70 khẩu súng. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 224 đối tượng truy nã về ma tuý.
Thời gian tới, Cục C04 sẽ triệt xóa bằng được những tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trá hình, nhất là ma tuý tổng hợp trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, C04 sẽ tập trung xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn theo đúng phương châm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là đánh cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không bỏ lọt tội phạm, truy tận nguồn, nơi xuất phát của đối tượng và ma tuý, làm giảm dần sự phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Sự hợp tác giữa lực lượng chống tội phạm ma túy Việt Nam và các nước cũng đang ngày càng sâu rộng đã góp phần quan trọng trong xác lập các chuyên án chung để tập trung phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy quốc tế, bắt giữ, xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bóc gỡ tận gốc các đường dây ma túy liên vận quốc tế, kịp thời ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa- Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho hay.
Trong quyết tâm ngăn chặn "cái chết trắng" thẩm lậu vào nội địa, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tăng cường phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là Công an đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma túy. Riêng Tháng cao điểm hành động phòng, chống ma tuý (từ ngày 1 đến 29/6/2023), Bộ đội Biên phòng đã tổ chức đấu tranh 35 chuyên án, bắt giữ 266 đối tượng trong 168 vụ, thu giữ 55,126kg ma túy các loại và nhiều tang vật khác (tăng 158 đối tượng, 85 vụ và 10,194kg ma túy so với tháng trước khi triển khai đợt cao điểm).
Các đơn vị trong toàn lực lượng thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy tại các địa bàn trọng điểm. Điển hình là chuyên án A21222.2p bắt 2 đối tượng, thu 34 bánh heroin; chuyên án ĐB523p bắt 2 đối tượng, thu 120.000 viên ma túy tổng hợp, được Phó thủ tướng Chính phủ gửi thư khen. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới là cuộc chiến đầy khốc liệt, nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, Bộ đội Biên phòng luôn xác định phải nỗ lực thực hiện tốt vai trò xung kích, nòng cốt, phấn đấu cao nhất để góp phần ngăn chặn ma túy từ các nước tuồn vào Việt Nam, giảm hiểm họa của ma túy và tội phạm ma túy gây ra cho nhân dân, đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin