Trong thi hành án dân sự (THADS), án tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ nhỏ về việc nhưng lại có số tiền phải thi hành lớn. Đây là những việc đặc thù có tính chất phức tạp, mặc dù các cơ quan THADS đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc, nhưng hiệu quả giải quyết chưa cao vì nhiều nguyên nhân.
Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiểm kê, đánh giá tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án. |
Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số việc phải thi hành của án tín dụng, ngân hàng là 292 việc (chiếm 2,75% tổng số việc) nhưng số tiền phải thi hành là trên 889,8 tỷ đồng (chiếm tới 41,54% tổng số tiền phải thi hành). Đến nay, các cơ quan THADS của tỉnh thi hành xong 41 việc, thu được số tiền trên 102,2 tỷ đồng (chiếm 21,58% về việc và 25,3% về tiền).
Theo ông Bùi Huy Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, các cơ quan THADS của tỉnh xác định giải quyết các vụ việc án tín dụng, ngân hàng thường khó khăn nên ngay từ đầu năm, Cục đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, chi cục rà soát, thống kê, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng thờ phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng và các cơ quan, tổ chức liên quan để thống nhất kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm từng vụ việc. Tuy nhiên, thực tế giải quyết vẫn còn không ít khó khăn.
Theo thống kê, 10/10 cơ quan THADS thuộc tỉnh đều có án tín dụng, ngân hàng, số lượng việc xu hướng tăng đều hàng năm. Một số đơn vị tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình là TP. Thái Nguyên (125 việc tương ứng số tiền phải thi hành là 506,8 tỷ đồng); TP. Phổ Yên (63 việc, tương ứng 187,9 tỷ đồng); huyện Phú Bình (24 việc, tương đương số tiền phải thi hành gần 26 tỷ đồng); TP. Sông Công (28 việc với số tiền trên 101 tỷ đồng)… Vậy nhưng đến nay, số việc và tiền các đơn vị đã thi hành xong còn "khiêm tốn".
Có nhiều nguyên nhân khiến việc THADS tín dụng, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, việc thi hành án thường liên quan đến các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản; các hợp đồng (bảo lãnh, thế chấp tài sản; kinh tế giữa các pháp nhân kinh tế; tín dụng, ngân hàng...) có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp nên rất khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án. Nhiều tài sản đảm bảo nợ xấu phải định giá, giảm giá nhiều lần nhưng do tâm lý người mua e ngại nên rất khó bán, hoặc bán được với giá rất thấp.
Một thực tế là thời gian vừa qua, sự trầm lắng của thị trường bất động sản, các ngân hàng thắt chặt việc cho vay vốn cũng tác động lớn đến việc bán tài sản là bất động sản. Do đó, công tác thi hành án liên quan đến kê biên, bán đấu giá bất động sản (đất) cũng bị hạn chế rất nhiều.
Bên cạnh đó, trong nhiều vụ việc, giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế của tài sản, nên khi xử lý tài sản bảo đảm chỉ thu hồi được một phần nhỏ so với hợp đồng thế chấp.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp người phải thi hành án thiếu hợp tác, luôn tìm cách trốn tránh, cố tình khiếu nại, tố cáo nhằm mục đích gây khó khăn, trì hoãn việc xử lý tài sản đã thế chấp...
Ông Bùi Huy Toàn cho hay: Để thi hành hiệu quả các việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Cục THADS tỉnh đề nghị tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa hai bên cũng như các văn bản có liên quan. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi vay vốn cần thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh các khoản vay, khi phát sinh khởi kiện ra tòa cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, cơ quan THADS để bảo đảm bảo bản án có tính khả thi, thi hành được trên thực tế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục yêu cầu các cơ quan THADS, các chấp hành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm hơn trong tổ chức thi hành án nói chung và thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin