Thêm chiêu trò lừa đảo qua mua bán sắt thép

Hạ Liên 10:40, 27/09/2024

Đóng giả khách hàng mua sắt thép xây dựng để biết được giá các mặt hàng hiện tại, đồng thời nghiên cứu rất kỹ phương thức lấy hàng, thanh toán, đối tượng lừa đảo sau khi kiếm được "con mồi" đã chiếm đoạt số tiền lên tới vài trăm triệu đồng.

Theo thỏa thuận hàng cho lên xe mới phải thanh toán, nhưng nếu không phải mua của doanh nghiệp người thật, việc thật thì người mua sắt thép vẫn có thể bị lừa. Ảnh mang tính chất minh họa
Theo thỏa thuận hàng cho lên xe mới phải thanh toán, nhưng nếu không phải mua của doanh nghiệp "người thật, việc thật" thì người mua sắt thép vẫn có thể bị lừa - Ảnh mang tính chất minh họa.

Chị N.T.T.V, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, cho biết: Mới đây, chủ doanh nghiệp kinh doanh sắt thép ở Bắc Giang đã bị một đối tượng lừa 400 triệu đồng một cách rất bài bản, tinh vi. Đối tượng lừa đảo vừa đóng vai là khách hàng của chị để thực hiện việc đặt hàng, lấy hàng; vừa đóng vai người có hàng để bán cho một người khác. Tất cả đã được đối tượng này nghiên cứu rất kỹ :đường đi, nước bước" trong bán hàng của doanh nghiệp.

Trước khi thực hiện việc mua bán, khoảng 3 ngày trước đó, đối tượng tự xưng tên là Sơn (có số điện thoại 0971716285) gọi điện cho chị V. để hỏi giá một số chủng loại. Sau đó, để tiện cho việc giao dịch, đối tượng đề nghị chị V. kết bạn Zalo, rồi đề nghị chị báo giá từng chủng loại thép. Ngày lấy hàng, đối tượng báo số lượng rồi đề nghị chị V. tạm tính giá trị đơn hàng gửi qua Zalo. Tổng số lượng đối tượng muốn lấy là 36 tấn, trị giá hơn 528 triệu đồng.

Sau đó, đối tượng nhắn tên lái xe và biển số xe ô tô vào lấy hàng để chị V. chuyển lệnh lấy hàng vào Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Mọi việc diễn ra bình thường, khi hàng đã được cẩu đủ lên xe, lái xe yêu cầu được cho xe ra thì chị V. không đồng ý vì người mua chưa thanh toán. Tuy nhiên, lái xe cho biết chủ hàng báo đã chuyển khoản thanh toán 400 triệu đồng. Lúc này, chị V. gọi điện cho đối tượng thì thuê bao không liên lạc được. Người lấy hàng thực sự là anh Thanh (ở Bắc Giang) khi đó đã gọi điện cho chị V. (được lái xe cho số điện thoại) thì mới biết đã bị lừa.

Theo lời anh Thanh: Biết anh là doanh nghiệp kinh doanh sắt thép nên đối tượng này đã gọi điện mời anh mua lô sắt thép với giá rẻ hơn so với thị trường khoảng 200 đồng/kg. Nếu tính ra, với số lượng 36 tấn, anh Thanh sẽ được lợi khoảng 7,2 triệu đồng. Vì địa điểm lấy hàng tại Tisco và 2 bên cũng đã thỏa thuận khi nào hàng xếp lên xe mới phải thanh toán nên anh Thanh khá yên tâm, mặc dù người mời mua hàng và anh chưa hề biết nhau.

Chính vì thế, sau khi 2 bên chốt được số lượng (giống như số lượng đối tượng đã chốt với chị V.), anh Thanh đã cho xe lên lấy, với thông tin về lái xe, biển số xe như đối tượng báo với chị V. Sau khi nắm được thông tin hàng đã được cẩu đủ lên xe (vì đối tượng được chị V. yêu cầu chuyển khoản mới cho xe ra), thì đối tượng đã liên hệ với anh Thanh để bảo chuyển trước 400 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ cho chuyển sau. Không chút nghi ngờ, anh Thanh đã chuyển đủ số tiền mà đối tượng yêu cầu.

Có thể thấy, đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ quy trình bán hàng của các đại lý cấp 2 của Tisco, nên nắm được từng khâu, từ lúc đặt hàng, thông tin về xe và lái xe đến lấy hàng, thời điểm thanh toán để cho xe ra khỏi cổng nhà máy… Vì thế, người mua rất dễ bị lừa.

Tuy nhiên, theo chị V., trong trường hợp này, anh Thanh đã mắc phải một số sai lầm. Thứ nhất là đã mua của người không quen biết, trong khi giá trị hàng hóa rất lớn. Nếu anh Thanh tỉnh táo hơn thì có thể yêu cầu người có hàng chở hàng đến trực tiếp tại kho của doanh nghiệp mình và có hóa đơn đầy đủ, thay vì tự đi lấy. Thứ 2, người mua cần hiểu rằng, không có lý gì một doanh nghiệp hoạt động bình thường lại bán sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, thậm chí là rẻ hơn giá nhà sản xuất bán ra.

Với gần 20 năm kinh doanh trên thương trường, chị V. rút ra được nhiều kinh nghiệm và bài học trong việc mua bán, đó là không nên tham rẻ và phải biết rõ đối tượng làm ăn với mình. Cách đây khoảng 3 năm, một bạn hàng của chị V. cũng từng mua 1 lô sản phẩm với giá rẻ, nhưng thay vì đi lấy trực tiếp, bạn hàng chị V. yêu cầu người chào hàng mang đến tận kho và có hóa đơn đỏ đầy đủ.

Bẵng đi 2 năm, Công an kinh tế của TP. Hà Nội đến làm việc với doanh nghiệp bạn chị V., do doanh nghiệp bán lô hàng giá rẻ đó liên quan đến một vụ án kinh tế. Rất may, doanh nghiệp bạn chị V. có đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh cho việc mua bán đó (hóa đơn đỏ, hợp đồng mua bán, lệnh chuyển tiền…) nên không gặp phải vấn đề gì.

Hiện, ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác nhau. Vì thế, các doanh nghiệp và người dân cần hết sức cẩn thận, tỉnh táo, để tránh những thiệt hại không đáng có.