Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành một sự kiện thường niên với nhiều hoạt động hưởng ứng được diễn ra. Các hoạt động này nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lương Hữu Phước, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, về nội dung này.
Ông Lương Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Tư pháp. |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây?
Ông Lương Hữu Phước: Trong những năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng tích cực triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật.
Hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm phù hợp, thiết thực, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan thông qua áp phích, băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường, tuyến phố, các khu trung tâm, các cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, địa điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) hướng về cơ sở; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và truyền thông trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin truyền thông, loa truyền thanh tại cơ sở... và hình thức phù hợp khác để lan tỏa, phổ biến sâu rộng đến người dân.
P.V: Năm nay, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, thưa ông?
Ông Lương Hữu Phước: Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 13/9/2024 Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại cơ quan đơn vị với các hình thức phù hợp.
Riêng Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tổ chức Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 và trao giải Cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức truyền thông qua Trang thông tin điện tử và Fanpage PBGDPL tỉnh Thái Nguyên; treo băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan…
P.V: Thời gian tới, để công tác tuyên truyền pháp luật hướng đến mọi tầng lớp nhân dân, đưa pháp luật thấm sâu vào cuộc sống, Sở Tư pháp sẽ có những tham mưu, giải pháp và tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lương Hữu Phước: Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp.
Một buổi truyền thông, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người dân tại cơ sở của cán bộ, chuyên viên Sở Tư pháp. |
Cụ thể như: Thực hiện tốt quy định của Chính phủ về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...
Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại, “dính líu” tới pháp luật...
Bởi vậy, khi tuyên truyền, PBGDPL cần phân tích cho người dân hiểu pháp luật không chỉ bao gồm các quy định, chế tài, biện pháp giải quyết tranh chấp mà còn là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân...
Do đó, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành mà còn là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin