Dù lệnh cấm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng thuốc lá điện tử vẫn được mua bán công khai trên các hội nhóm, trang mạng xã hội. Nhu cầu sử dụng chưa giảm khiến thị trường này ngày càng tinh vi hơn để "lách luật". Bởi thế, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt để ngăn chặn tình trạng này.
![]() |
Các trang hội, nhóm Facebook mua, bán thuốc lá điện tử. |
Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “Vape Thái Nguyên” sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm như: Pod Juice Thái Nguyên, Vape Pod Juice Thái Nguyên, Vape Pod Thái Nguyên 18+, Vape Pod Thái Nguyên - Giao lưu & Trao đổi… với số lượng thành viên lên đến hàng chục nghìn người. Các bài đăng với nội dung như “Họp chợ” thu hút hàng trăm bình luận, chủ yếu xoay quanh hoạt động mua bán, tuyển cộng tác viên, phân phối sỉ lẻ thuốc lá điện tử.
Trong vai một người mua hàng, chúng tôi đã liên hệ với một tài khoản bình luận trên bài đăng. Người bán nhanh chóng cung cấp danh sách sản phẩm, từ các dòng phổ biến như Pixo, Oneo, Pava, cùng nhiều loại tinh dầu. Giá combo dao động khoảng 850 nghìn đồng/set. Điều này cho thấy, dù đã có lệnh cấm, việc mua thuốc lá điện tử vẫn rất dễ.
N.T.Q, một sinh viên tại Thái Nguyên: Sau khi có lệnh cấm, em đã bỏ hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, nhiều bạn em vẫn dùng và có thể dễ dàng mua hàng qua mạng xã hội. Chỉ cần nhắn tin qua Facebook, Zalo hoặc gọi điện là sẽ có người ship tận nơi.
Nhằm né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, người bán thường sử dụng từ khóa như “máy xông hoa quả”, “nước ép hoa quả”, “máy thở”… Mọi giao dịch diễn ra qua tin nhắn riêng tư, thanh toán chuyển khoản và gửi hàng thông qua dịch vụ giao hàng nhanh. Khi vận chuyển, các bọc hàng thường được dán nhãn “nước hoa”, “mỹ phẩm” để qua mặt đơn vị vận chuyển và cơ quan chức năng.
![]() |
Thuốc lá điện tử dễ dàng mua online qua mạng xã hội Facebook, Zalo. |
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Mục 2.2 về lĩnh vực y tế, “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Theo đó, các hành vi “sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử” là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị phạt hành chính từ 1-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2-200 triệu đồng.
Lệnh cấm này tạo tiền đề để cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, triệt phá các đường dây buôn bán thuốc lá điện tử. Bên cạnh các biện pháp xử lý nghiêm khắc, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của các sản phẩm này. Đồng thời, việc kiểm soát thông tin trên không gian mạng cũng đóng vai trò quan trọng. Các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội cần áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn hoạt động quảng bá, mua bán sản phẩm bị cấm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì trật tự xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin