Xuất phát từ tinh thần tự nguyện, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) đã được thành lập trên địa bàn tỉnh. Cùng với nâng cao trách nhiệm, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng chức năng với các đoàn thể, các mô hình còn huy động đông đảo nhân dân cùng vào cuộc, góp phần giữ bình yên cho cộng đồng dân cư.
Tổ liên gia tự quản về ANTT ở xóm Mảng, xã Lương Phú (Phú Bình), là một trong những mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả. Được thành lập tháng 9-2020, hiện Tổ có 10 thành viên gồm công an viên, đại diện Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể, cùng một số người dân tiêu biểu; Bí thư Chi bộ kiêm nhiệm Tổ trưởng. Tổ xây dựng quy chế hoạt động và quy ước về ANTT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách nhóm hộ. Trong đó nhấn mạnh việc kịp thời nắm tình hình, phối hợp giải quyết ngay các tình huống tại cơ sở; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác với các loại tội phạm.
Ông Hoàng Quang Thiện, Bí thư Chi bộ xóm Mảng, thông tin: Là địa bàn giáp ranh nên tình hình ANTT của xóm tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong năm vừa qua, thông qua việc thường xuyên tuần tra, nắm bắt địa bàn, Tổ tự quản đã phát hiện 1 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý; 3 đối tượng đánh bạc và 2 trường hợp vi phạm quy định về ANTT. Các vụ việc phát sinh đều được thông báo tới công an xã để giải quyết kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia hoà giải, tổ chức các hoạt động nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các hộ dân.
Ở xã Hoà Bình (Đồng Hỷ), mô hình “Giáo họ bình yên về ANTT” thành lập ở giáo họ Hích từ tháng 9-2021 cũng bước đầu phát huy hiệu quả. Đây là giáo họ có gần 60 hộ dân, chủ yếu trồng và sản xuất chè.
Ban Chỉ đạo mô hình có 13 thành viên, xây dựng quy chế và đề ra các mục tiêu cụ thể như: Giáo dân chấp hành nghiêm đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; trong giáo họ không có tội phạm, người mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác…
Lãnh đạo UBND xã Hoà Bình cho rằng: Chuyển biến rõ nhất khi có mô hình là các hộ dân ký cam kết thực hiện các tiêu chí; nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành quy định pháp luật cũng như phối hợp đảm bảo ANTT. Điều này tạo sự lan toả tích cực tới các khu dân cư khác trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh duy trì 26 loại mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT, với 3.959 tổ chức quần chúng. Cụ thể gồm: 31 cụm an ninh khu vực; 1.277 tổ tự quản về ANTT; 569 tổ an ninh nhân dân; 187 câu lạc bộ tự quản về ANTT, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; 177 mô hình phòng cháy chữa cháy và 1.368 các tổ chức quần chúng khác. Trong số này có gần 93% mô hình được đánh giá là khá và tốt.
Từ các mô hình tự quản, trong năm 2021, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an gần 5.000 nguồn tin, phần lớn là tin báo tố giác tội phạm.
Tại các thôn, xóm, tổ dân phố, mô hình tự quản về ANTT hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ chi bộ và hướng dẫn nghiệp vụ của lực lượng công an cấp xã.
Cùng với việc tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, thành viên của các tổ còn vận động người phạm tội ra tự thú; bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn; phòng, chống thiên tai, hoả hoạn và dịch bệnh; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người đã chấp hành xong hình phạt tù, người từ cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương; tham gia hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp của nhân dân…
Dù ở mỗi nơi có quy chế và cách thức tổ chức hoạt động khác nhau song mục tiêu chung của mô hình cộng đồng tự quản về ANTT là bảo vệ, giữ gìn sự bình yên cho khu dân cư. Nhờ cách làm phù hợp điều kiện từng địa bàn, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi hộ dân nên các mô hình đã có sức lan tỏa và trở thành phong trào rộng khắp; phát huy tinh thần đoàn kết, huy động tối đa nguồn lực cộng đồng tham gia quản lý địa bàn.