Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan toả với nhiều mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần tích cực đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Định kỳ hằng tuần, ông Đặng Văn Sử, Bí thư Chi bộ xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đều nhận được tin nhắn từ nhóm Zalo “Xã an toàn về ANTT”. Trong nhóm, nội dung mới nhất là khuyến cáo ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh xuất hiện đối tượng đến từng gia đình xin chụp ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, người dân chấp thuận được nhận một số tiền nhất định. Từ ảnh chụp này đối tượng tội phạm công nghệ cao có thể khai thác nhiều thông tin cá nhân phục vụ các mục đích xấu. “Đây là khuyến cáo rất hữu ích. Thực tế nhiều người chưa hiểu rõ nên chủ quan, nghĩ không ảnh hưởng gì mà lại được tiền. Chúng tôi đã phát nội dung này trên hệ thống loa truyền thanh; chuyển tiếp trên các nhóm Zalo chung và đoàn thể của xóm” - ông Sử nói.
Đại uý Vũ Anh Thái, Trưởng Công an xã Minh Lập cho biết: Nhóm Zalo “Xã an toàn về ANTT” do Công an xã quản lý có gần 280 thành viên. Bên cạnh thông tin, tuyên truyền văn bản pháp luật mới; khuyến cáo người dân các hình thức, thủ đoạn tội phạm, lực lượng Công an còn nắm bắt, tiếp nhận những phản ánh về ANTT để kịp thời giải quyết. Xã cũng phối hợp xây dựng mô hình điểm khu dân cư phòng chống tội phạm, lắp đặt hệ thống camera an ninh tại xóm Cà Phê. Trong lộ trình xây dựng nông thôn kiểu mẫu, Minh Lập dự kiến huy động nguồn lực lắp đặt camera tại toàn bộ các tuyến đường chính, khu vực giáp ranh trên địa bàn vào cuối năm nay.
Cũng chủ yếu huy động nguồn xã hội hoá, cuối năm 2021, huyện Đại Từ triển khai mô hình camera an ninh giám sát, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Mô hình tiến hành theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1, lắp đặt 56 camera giám sát an ninh tại trung tâm 30 xã, thị trấn và các đầu mối giao thông quan trọng, địa điểm tập trung đông người; giai đoạn 2 bổ sung thêm 200 camera tại các xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Hình ảnh thu được từ camera giám sát được truyền về trung tâm điều hành đặt tại Công an huyện. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng... bộ phận thường trực sẽ trích xuất hình ảnh và báo cáo để giải quyết kịp thời. Theo đánh giá của lãnh đạo Công an huyện Đại Từ, đây là một trong những giải pháp phòng ngừa rất tội phạm rất tốt hiện nay, góp phần thay đổi ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.227 tổ tự quản về ANTT; 569 tổ an ninh nhân dân. Ngoài ra, lực lượng Công an bán chuyên trách cấp xã cũng tham mưu tổ chức, duy trì hoạt động của 26 mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại cơ sở. Từ thực tế cho thấy, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình, cách làm hay phù hợp với thực tế cơ sở trong đảm bảo ANTT. Có thể kể đến như: Mô hình “Khu nhà trọ tự quản” tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình; Hòm thư tố giác tội phạm đặt tại các nhà văn hoá xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Định Hoá; tổ liên gia tự quản về ANTT ở huyện Phú Bình; các mô hình dòng họ tự quản và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ở Võ Nhai…
Theo đánh giá của cơ quan Công an, cơ bản các mô hình đều phát huy hiệu quả thiết thực. Những cách làm phù hợp đã huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, người dân tại cơ sở, kịp thời nắm bắt, phản ánh thông tin về ANTT. Thượng tá Phạm Ngọc Hùng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05), Công an tỉnh, cho biết: Mới nhất, PV05 đã tham mưu, phối hợp với các địa phương, đơn vị ra mắt mô hình camera giám sát đảm bảo ANTT ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) và Tổ tự quản về ANTT trên mạng lưới xe bus Hà Lan. Những mô hình hay, cách làm mới sẽ được lựa chọn rút kinh nghiệm, tiếp tục duy trì và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.