Kịp thời giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… là những kết quả tích cực của công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đại Từ thời gian qua.
Cán bộ xã Bản Ngoại (Đại Từ) trao đổi một số nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở với đại diện Tổ hòa giải xóm Rừng Lâm. |
Nhiều năm nay, Tổ hòa giải xóm Rừng Lâm ở xã Bản Ngoại là một trong những tổ hòa giải được đánh giá hoạt động hiệu quả tiêu biểu của huyện Đại Từ. Phần lớn vụ việc phát sinh ở địa phương dù lớn hay nhỏ đều được Tổ đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, giúp hóa giải mâu thuẫn ngay tại cơ sở.
Đơn cử như vụ tranh chấp ranh giới đất vườn tạp của 2 gia đình trong xóm. Nguyên nhân là bởi ranh giới này được hình thành từ lâu, khó xác định, dẫn tới mâu thuẫn, xung đột giữa hai bên. Ngay sau khi nắm được thông tin, các thành viên trong Tổ đã có mặt kịp thời để can ngăn, không để xảy ra xô xát. Đồng thời tìm hiểu rõ nguồn cơn mâu thuẫn cùng những căn cứ, quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc, đến từng gia đình để giải thích, tuyên truyền. Bằng sự khéo léo, giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý, Tổ đã nhanh chóng tháo gỡ được khúc mắc giữa hai gia đình. Ngay sau đó, hai gia đình làm hòa, xây dựng ranh giới rõ ràng bằng cột bê tông, trước sự chứng kiến của Tổ hòa giải.
Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” hòa giải thành các vụ việc, ông Triệu Văn Tấn, Tổ trưởng Tổ hòa giải, nói: Thông thường, nguyên nhân xuất phát mâu thuẫn từ những việc rất nhỏ trong đời sống, song cũng rất dễ phát triển thành các vụ việc phức tạp, kéo dài nếu không xử lý khéo léo, hợp tình, hợp lý. Quan điểm của chúng tôi là “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”, không để "chuyện bé xé ra to", các thành viên trong Tổ cần khéo léo, kiên trì thuyết phục để người dân thấu tỏ vấn đề.
Sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, đến nay, toàn huyện Đại Từ đã thành lập được 389 tổ hòa giải với 3.206 hòa giải viên. Thành phần của các tổ hòa giải gồm: Trưởng xóm; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận xóm, tổ dân phố; công an viên; cán bộ hưu trí; người có uy tín trong cộng đồng dân cư…
Từ đầu năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 1.900 vụ việc, trong đó số vụ việc được hòa giải thành chiếm trên 96%. Phần lớn vụ việc hòa giải tập trung vào các lĩnh vực như: Đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp nhỏ phát sinh trong sinh hoạt cộng đồng…
Bà Phạm Thị Lựu, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đại Từ, cho biết: Công tác hòa giải tại các địa phương trên địa bàn đã góp phần làm giảm số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính…; đồng thời hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, việc tuyên truyền pháp luật cho các tầng lớp nhân dân thêm hiệu quả vì các quy định của pháp luật đã được đội ngũ hòa giải viên truyền tải đến nhân dân, giúp người dân hiểu và chấp hành đúng…
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, những năm qua, huyện Đại Từ luôn chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Hằng năm, huyện đều bố trí kinh phí để tổ chức tập huấn, cấp phát tài liệu cho hòa giải viên ở cơ sở.
Trong năm 2023, huyện tổ chức 15 hội nghị tập huấn tại 15 xã, thị trấn. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã cấp phát 514 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, 810 quyển tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên...
Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều ban hành kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở; tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật với nhiều hình thức, lồng ghép với các hội nghị, chương trình, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh… Qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, giữ gìn trật tự trị an ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin