Thi hành án dân sự các cấp sẽ đóng góp tích cực vào chỉ số PCI của tỉnh

09:43, 24/05/2019

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đo lường, đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn từng tỉnh, thành phố. PCI chính là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh, thể hiện sự hài lòng về môi trường kinh doanh cũng như nguyện vọng, mong mỏi đối với những cải cách trong điều hành kinh tế. Việc đánh giá chỉ số PCI được thực hiện trên cơ sở các chỉ số thành phần cơ bản bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế từng địa phương, trong đó có chỉ số về “Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả”. Chỉ số này phản ánh lòng tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý của địa phương xem các thiết chế này có phải là là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp và là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền hay không. 

Điều 106 Hiến pháp năm 2013 khẳng định thi hành án dân sự (THADS) là khâu cuối của quá trình tố tụng, là quá trình hiện thực hóa bản án, quyết định của Tòa án, thực thi công lý, qua đó góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện KTTT định hướng XHCN, quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu của các nhà đầu tư luôn là một chế định then chốt. Một doanh nghiệp khi đầu tư tại một địa phương đều tìm hiểu hiệu lực, hiệu quả, thời gian và chi phí của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp kinh doanh để có thể thu hồi thành công đồng vốn của họ. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương 5 (Khóa XII) đã xácđịnh THADS là một hoạt động quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phong trào khởi nghiệp và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.Do đó, mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vào hiệu lực, sự kịp thời và nhanh chóng của hoạt động THADS trong bảo vệ các quyền tài sản là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá PCI tại các địa phương.

Theo báo cáo thường niên về chỉ số PCI năm 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Thái Nguyên nằm trong tốp khá, đạt tổng điểm là 64,24, xếp thứ 18/63 tỉnh thành, tuy nhiên, tụt 3 bậc và thấp hơn 0,21 điểm so với năm 2017. Trong nhóm 10 chỉ số thành phần để chấm điểm về chỉ số PCI của tỉnh có 6 chỉ số bị giảm điểm, trong đó có chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Với mục tiêu phấn đấu ổn định và nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh, ngày 29/3/2019, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ-TW yêu cầu cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong những năm qua, công tác THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Sáu tháng đầu năm 2019, các cơ quan THADS trên địa bàn đã thi hành xong gần 4 nghìn việc và trên 31 tỷ đồng. Các mặt công tác khác được triển khai tương đối toàn diện, đồng bộ. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ-TW của Tỉnh ủy, để góp phần nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh,trong thời gian tới, các cơ quan THADS sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS với các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, trọng tâm sau:

Bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan THADS trên địa bàn trong việc nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu THADS cơ bản được Quốc hội, Chính phủ giao, đặc biệt là chỉ tiêu về việc và về tiền.Chú trọng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Nâng cao kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng. Hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm trong quá trình thi hành án.

Tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động THADS, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng tải thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Thống nhất triển khai và vận hành phần mềm quản lý THADS nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý ngành. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định  về phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thực hiện nghiêm túc Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xử lý nghiêm, kiên quyết thay thế những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ./.