Tiếp tục phần tranh tụng tại tòa, hầu hết luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án thất thoát tài sản tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đều đề nghị Hội đồng xét xử cần xém xét bối cảnh là tình hình suy thoái kinh tế và chỉ đạo của cấp trên phải thực hiện bằng được Dự án; các bị cáo thực hiện hành vi không vì tư lợi cá nhân.
Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) đã nhận trách nhiệm trong Dự án, gây ra hậu quả thiệt hại cho tài sản Nhà nước; chấp hành hình phạt do Tòa quyết định nhưng cho rằng việc truy tố mức án 6-7 năm tù dành cho mình là hơi nặng.
Theo quan điểm của Luật sư Trương Anh Tú, việc quyết định cho dừng Dự án khi nhà thầu Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng là vượt quá thẩm quyền đối với bị cáo Mai Văn Tinh. VNS và TISCO chỉ là đơn vị thực hành, còn chỉ đạo tiếp tục là của cấp cao hơn. Về cáo buộc bị cáo Tinh chấp thuận Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) không đảm bảo năng lực làm nhà thầu phụ, Luật sư viện dẫn lại văn bản của Bộ Công Thương trong đó giới thiệu VINAINCON và khẳng định đây là doanh nghiệp thuộc Bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp.
Nêu quan điểm tại tòa, các luật sư đã tập trung phân tích vai trò của các bị cáo trong vụ án; cho rằng các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh tại thời điểm triển khai dự án.
Các bị cáo có mặt tại tòa.
Bào chữa cho bị cáo Đặng Thúc Kháng, nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNS, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu: Ông Kháng và các bị cáo trong vụ án này không có dấu hiệu đồng phạm, chỉ cùng quyết tâm thực hiện cho bằng được theo chủ trương của cấp trên. Tương tự đối với bị cáo Đậu Văn Hùng, nguyên thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNS, khi ký các tờ trình xin điều chỉnh chi phí phần xây lắp của hợp đồng đã được TISCO và VNS xin ý kiến; các bộ, ngành đã đề xuất và Chính phủ đồng ý.
Bị cáo Đặng Thúc Kháng, nguyên Trưởng ban Ban Kiểm soát Tổng Công ty Thép Việt Nam tự bào chữa tại Tòa trong ngày 16-4.
Đối với bị cáo Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng Giám đốc TISCO kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án, cáo buộc trực tiếp thanh toán cho nhà thầu phụ dựa trên số lượng và khối lượng các hạng mục đã thi công, luật sư cho rằng không có căn cứ do bị cáo không phụ trách mảng tài chính. Với vai trò là Phó Tổng Giám đốc - giúp việc cho Tổng Giám đốc thì bị cáo buộc phải thực hiện công việc do cấp trên chỉ đạo, phân công và bất cứ ai ở trong hoàn cảnh đó cũng phải chấp hành. Luật sư cho rằng, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO có ý nghĩa rất lớn. Theo quy định pháp luật, Dự án được xếp vào nhóm A, thẩm quyền phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ. Ban lãnh đạo TISCO thời điểm đó đặt quyết tâm vượt qua mọi điều kiện khó khăn chủ quan, khách quan để thực hiện bằng được Dự án. Lưu ý bối cảnh đó để xác định có hay không vai trò đồng phạm của bị cáo Ngô Sỹ Hán với các bị cáo khác để phán quyết mức án chính xác nhất.
Trong phần tranh tụng, các luật sư cũng nhấn mạnh, vấn đề nhân dân quan tâm nhất là xác định nguyên nhân thực chất khiến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO phải dừng đến thời điểm này và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng đó.