Số hoá hồ sơ vụ án hình sự: Nâng nghiệp vụ, giảm giấy tờ

06:56, 08/07/2022

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Toà án nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp số hoá hồ sơ các vụ án hình sự. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho cơ quan tố tụng khai thác, công bố tài liệu, chứng cứ và nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên toà.

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách tư pháp, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội... tháng 4-2021, TAND và VKSND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp tổ chức phiên toà số hoá hồ sơ vụ án hình sự và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, âm thanh tại phiên toà.

Quy chế xác định rõ việc phối hợp lựa chọn các vụ án điển hình, phức tạp, được dư luận quan tâm; vụ án có bị can, bị cáo quanh co chối tội; hồ sơ tài liệu, chứng cớ có nhiều hình ảnh, video hoặc ghi âm, ghi hình khi điều tra. Trong quá trình tổ chức phiên toà, hai đơn vị có thể phân công thêm cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin cùng kiểm tra, vận hành các thiết bị. Đồng thời, phối hợp rút kinh nghiệm và tuyên truyền pháp luật sau các phiên toà số hoá.

Cụ thể hoá chương trình phối hợp, TAND và VKSND hai cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện phiên toà số hoá tài liệu. Những khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhất là về phương tiện, trang thiết bị, nguồn nhân lực chuyên trách… từng bước được tháo gỡ. Nhờ đó, số lượng phiên toà được tổ chức theo hình thức số hoá ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2021, Thái Nguyên tổ chức được 11 phiên tòa số hóa/1.707 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 0,65%; 6 tháng của năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 42 phiên tòa số hóa/646 vụ xét xử, chiếm tỷ lệ 6,5%.

Bà Đàm Thị Hoàn, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (VKSND tỉnh), đánh giá: Việc số hóa giúp tinh gọn hồ sơ vụ án, tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khai thác hồ sơ của kiểm sát viên; giảm chi phí sao lưu tài liệu phục vụ lưu trữ hồ sơ theo quy định và các mục đích nghiên cứu khác. Điều này cũng giúp kiểm sát viên, thẩm phán chủ toạ phiên toà chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình tham gia thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử và xét xử.

Để nâng cao số lượng và chất lượng phiên toà số hoá, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Đối với VKSND huyện Phú Bình, ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị đã đề ra mục tiêu mỗi kiểm sát viên có ít nhất 1 vụ số hóa hồ sơ án hình sự xét xử; bắt đầu từ những vụ án đơn giản, ít tài liệu, chứng cứ để giúp cán bộ làm nghiệp vụ rèn luyện thao tác kỹ thuật và thành thạo các bước. Việc thực hiện số hóa từ khi scan (quét chuyển dữ liệu) tài liệu, lập cây thư mục đến trình chiếu giúp kiểm sát viên chủ động với tài liệu, phản ứng nhanh hơn tại phiên tòa và không cần cán bộ kỹ thuật trợ giúp.

Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Bình, ông Lê Trung Kiên, thông tin: Từ đầu năm 2022 tới nay, VKSND huyện Phú Bình phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức 4 phiên toà số hoá; dự kiến trong tháng 7 này sẽ tổ chức xét xử tiếp 4 vụ án hình sự bằng hình thức này. Các phiên toà số hoá giúp chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên được nâng lên, đảm bảo khách quan, chính xác và thuyết phục.

Trên cơ sở quy chế phối hợp, từ đầu năm 2022 đến nay, TAND và VKSND TP. Thái Nguyên cũng đã tổ chức được 3 phiên toà số hoá. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc số hoá hồ sơ và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên toà, đại diện TAND TP. Thái Nguyên đề nghị: Với số lượng án chiếm tỷ lệ lớn nhất trong hệ thống tòa án hai cấp của tỉnh, đơn vị mong được hỗ trợ về điều kiện trang thiết bị; đồng thời cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn cho người tiến hành tố tụng về kỹ năng sử dụng các thiết bị số.

Hoạt động đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả các phiên toà số hoá vụ án hình sự đã và đang được TAND và VKSND hai cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện, không chỉ trong một giai đoạn tố tụng nhất định, mà thực hiện xuyên suốt cả quá trình từ khi bắt đầu thụ lý, giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, việc lựa chọn số hoá hồ sơ và trình chiếu cũng được quan tâm theo hướng vụ án có tính phức tạp nhất định; đảm bảo việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh có giá trị thực sự trong quá trình tranh tụng với luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.