Từ sáng sớm ngày 28 Tết, mọi người trong dòng họ Triệu mang gà, rượu, gạo… đến nhà Trưởng họ để làm lễ cúng Tết tiễn năm cũ. Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên quê hương đất Việt, mỗi dân tộc đều có phong tục đón Tết cổ truyền theo bản sắc văn hóa riêng của mình. Đối với bà con dân tộc Dao ở xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) thì một năm sẽ cúng 3 Tết, đó là Tết tiễn năm cũ từ ngày 28-30 tháng Chạp; Tết đón năm mới từ ngày mùng 1-5 tháng Giêng và ăn Tết lại từ ngày mùng 6-15 tháng Giêng. Tuy nhiên, Tết tiễn năm cũ được coi là cái Tết quan trọng nhất trong năm của người Dao bởi Tết tiễn năm cũ sẽ được cúng tại nhà của Trưởng họ, toàn bộ đồ cúng đều do các gia đình trong dòng họ mang đến. Mâm cơm cúng chỉ được có thịt không có rau vì người Dao quan niệm Tết tiễn năm cũ không chỉ là báo cáo về kết quả lao động cả năm mà còn chứa đựng trong đó ước vọng của dòng họ về một năm mới với sự sung túc đủ đầy. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chúng tôi xin giới thiệu với các độc giả về phong tục đón Tết tiễn năm cũ của người Dao.
Mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa để nghe Trưởng họ tổng kết công việc của dòng họ trong một năm qua.
Sau đó, mỗi người một việc đàn ông thì thịt gà, đàn bà thì xay đỗ gói bánh chưng
Tiền vàng cúngTết được người Dao tự làm bằng cách lấy giấy bản cắt ra thành từng thếp nhỏ, mỗi thếp lại chia thành 5 đoạn nhỏ với ý nghĩa để Tổ tiên làm lộ phí đi đường.
Tất cả gà của các nhà mang đến đều phải thịt hết để cúng Tết, lễ cúng diễn ra trong vòng 2h đồng hồ. Sau lễ cúng tiễn năm mới tại nhà Trưởng họ vào ngày 28, từ ngày 29 trở đi các nhà sẽ cúng gia tiên tại gia đình mình.