Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hệ thống nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian” để giam cầm, tra tấn những chiến sĩ cộng sản. Trong 113 năm cai trị của thực dân đế quốc, đã có khoảng 20 nghìn người nằm xuống ở hòn đảo núi non hùng vĩ, biển trời trong lành này. Xương máu của bao thế hệ chiến sĩ cộng sản đã đổ xuống, tô thắm truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Côn Đảo oai hùng và linh thiêng!
Trại Phú Hải được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên tại Côn Đảo năm 1862. Nơi đây thực dân Pháp từng giam cầm nhiều chiến sĩ cộng sản, trong đó có các đồng chí: Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Cũng tại đây, tờ báo bí mật “Tiến Lên” đã ra đời do đồng chí Phạm Hùng và Lê Văn Lương phụ trách thời kỳ 1930-1939.
Dòng người từ mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều cháu thiếu niên, nhi đồng và thanh niên đến dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương linh thiêng.
Khi màn đêm buông xuống, dưới hàng dương rì rào, bên phần mộ của nữ Anh Hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu luôn đông đúc người thăm viếng.
Côn Đảo đang có nhiều chính sách thu hút người dân từ mọi miền Tổ quốc đến xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay, dân số Côn Đảo có khoảng 8 nghìn người, họ sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sải và làm du lịch.
Nhiều ngư dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi trồng hải sản, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Không chỉ có du khách trong nước mà Côn Đảo đang là địa chỉ thu hút nhiều du khách nước ngoài đến thăm viếng. Hiện nay, mỗi ngày Côn Đảo đón khoảng 1.000 lượt khách du lịch.
Cảng Bến Đầm trở thành trung tâm giao lưu đưa đón khách và trao đổi hàng hóa từ đất liền đến với Côn Đảo.
Côn Đảo ngày nay phát triển thanh bình, xanh tươi với những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi.