Về vùng chiến khu cách mạng năm xưa

10:57, 01/09/2018

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp biển Đông, với 305 km chiều dài bờ biển. Đây là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, có khí hậu ôn hòa, tiềm năng du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên đa dạng… Mỗi địa danh của tỉnh đều gắn với những di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vốn là nơi hội tụ những tinh hoa, tôn giáo, tín ngưỡng và nét đặc sắc của văn hóa biển. Trên địa bàn có 48 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (hệ thống nhà tù Côn Đảo), 29 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh...

Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu (1935-1952), quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một nữ chiến sĩ cách mạng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vừa tròn 14 tuổi, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ, làm liên lạc tiếp tế. Ngày 14/7/1948, chị dũng cảm dùng lựu đạn tấn công giải tán cuộc Mít tinh do thực dân Pháp tổ chức tại chợ Đất Đỏ. Mùa xuân năm 1950, khi mới 15 tuổi, chị bị thực dân Pháp bắt giam. Đầu năm 1951, thực dân Pháp đưa chị ra Tòa án binh và kết án tử hình. Trước khi bị thi hành án, chị bị đày qua các nhà tù: Chí Hòa, Bà Rịa, Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, thực dân Pháp đã lén lút đưa chị đi xử bắn tại Hàng Dương, Côn Đảo. Trong ảnh: Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu đặt tại xã Phước Long Thọ - Huyện Đất Đỏ.

Ngôi nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa, nơi chị Võ Thị Sáu từng sống thời niên thiếu cùng gia đình. Năm 1980, ngôi nhà được UBND huyện Đất Đỏ tu bổ lại khang trang như ngày hôm nay.

 

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Phần mộ của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Trong nhiều bến bãi mà Đoàn tàu không số bí mật vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam thì bến Lộc An (nay thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tiếp nhận ba chuyến tàu của Đoàn 125 Hải Quân cập bến thành công, vận chuyển được 100 tấn vũ khí để trang bị cho quân và dân các tỉnh miền Đông, góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã vang dội năm 1965, phá tan hàng loạt "Ấp chiến lược", mở rộng vùng giải phóng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy, góp phần làm nên nhiều chiến thắng khác của quân và dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bến Lộc An được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.