Chăn nuôi đại gia súc, mở hướng thoát nghèo

09:01, 19/11/2019

Vài năm trở lại đây, người dân ở nhiều xóm, bản vùng cao của huyện Võ Nhai  không chỉ chăn nuôi trâu, bò làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà việc chăn nuôi này đã trở thành hướng thoát nghèo với bà con. Nếu như trước đây, hầu hết mỗi gia đình chỉ duy trì trong chuồng từ 1 đến 2 con trâu, bò thì nay những hộ chăn nuôi cùng lúc 6, 7 thậm chí hàng chục con không còn là trường hợp hiếm. Cùng với biện pháp chăn thả, người dân vùng cao Võ Nhai đã biết trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, áp dụng các biện pháp chăn nuôi khoa học, từng bước nâng cao chất lượng vật nuôi.

Gia đình anh Lý Văn Sinh, xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung luôn có ít nhất 5 con bò trong chuồng. Trong ảnh: Con bò đực giống có giá vài chục triệu đồng của gia đình anh Sinh.

Tuy gia đình chỉ có 2 nhân lực lao động, nhưng ngoài cấy lúa, trồng ngô, vợ chồng anh Lý Văn Cường, xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung còn  tận dụng đất đồi rộng, trồng cỏ làm thức ăn để nuôi thêm 2 đến 3 con bò. Theo chu kỳ, khoảng 2 năm anh xuất bán bò một lần, mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Trâu, bò nuôi tại các xóm, bản vùng cao thường được thương lái rất ưa chuộng, nên ngoài chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bà con nơi đây đã biết mua trâu, bò về vỗ béo trong một thời gian ngắn rồi bán lấy lãi. Cách làm này đã giúp cho không ít hộ đồng bào dân tộc Mông thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn. Trong ảnh: Đàn trâu của gia đình ông Dương Văn Xí, xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá.

Do biết tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ voi, nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Võ Nhai, dù không có nhiều nhân lực vẫn có thể phát triển đàn đại gia súc.

Gia đình bà Dương Thị Chợ, xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá từ 1 con trâu ban đầu nay đã có 11 con trâu trong chuồng. Với số lượng trâu hiện có, năm nào gia đình bà cũng có nguồn thu lớn từ việc bán nghé và trâu thịt.