Nghề truyền thống ở vùng chiến khu xưa

11:16, 20/06/2020

Đó là nghề làm mành cọ ở thôn Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Trải qua hơn 35 năm, với hơn 30 hộ sản xuất, những chiếc mành bền, đẹp và chắc chắn đã được khách hàng xa gần biết đến, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã ghi lại những công đoạn để làm ra một sản phẩm như thế:

Nan cọ được làm từ những chiếc cuống lá cọ bánh tẻ, to đều rồi dóc gai, lột mỏng lấy phần cật, chọn ra những nan đẹp nhất đem về sơ chế, phơi khô. Trung bình mỗi cuống lá cọ vót được 10-12 nan và để dệt một chiếc mành cần khoảng 230-300 nan. 
  
Sử dụng những chiếc nan già, đều màu cho ra những chiếc mành đẹp và có giá trị hơn (có giá từ 40.000-80.000 đồng/ 1 chiếc mành). Trong ảnh: Anh Bàng Xuân Thế lựa chọn nan cọ trước khi dệt mành.


  
Nhiều chiếc máy dệt mành đã được cải tiến, trước đây phải hai người cùng nhau phối hợp mới dệt được một chiếc mành, đến nay chỉ cần một người.
 
Xén đầu mành là một trong những khâu hoàn thiện, để có được một chiếc mành đẹp người làm cần cắt sao cho thẳng, không để sót lại răm.


Ông Triệu Văn Quản, năm nay đã 78 tuổi là một trong những người đầu tiên ở thôn Làng Bầng sản xuất mành cọ. Trung bình mỗi tháng gia đình ồng Quản bán được trên 2.000 sản phẩm, tạo thu nhập thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/ người/ tháng.