Ấm no nhờ tre phấn

11:29, 05/07/2020

Mặc dù chỉ chiếm trên 12% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn xã song nhiều năm trở lại đây, cây tre phấn đang giúp nhiều người dân xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện, Hợp Tiến không chỉ là vùng cung cấp nguyên liệu cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn dần hình thành nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm như tăm, đũa, chân hương…. Các xưởng sản xuất các sản phẩm từ cây tre phấn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 100 lao động địa phương. Đặc biệt, nhiều nười lớn tuổi, khuyết tật cũng được tạo điều kiện có được công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.


   
Toàn xã Hợp Tiến hiện có 475 ha cây tre phấn. Tre phấn không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đất này mà còn có đặc điểm là chỉ cần trồng 1 lần nhưng lại cho khai thác luân phiên quanh năm. Vì thế tre phấn đã trở thành nguồn thu thường xuyên của nhiều gia đình từ nhiều năm nay.
 
Với giá bán từ 1.600 đồng - 2.000 đồng/1kg (những cây to có giá gần 3.000 đồng/1kg), bình quân mỗi cây tre phấn khi khai thác có giá từ 30.000 - 40.000 đồng.
 
Xưởng sản xuất của gia đình anh Ngô Văn Giang, xóm Cao Phong mỗi năm tiêu thụ hết trung bình 3 tỷ đồng tiền nguyên liệu. Tre phấn sau khi khai thác mang về xưởng được cắt thành từng đoạn, bỏ mấu trước khi sơ chế.
   

Công đoạn chẻ nan sơ chế nguyên liệu. Đây là công đoạn được đánh giá là khá nhẹ nhàng. Người chuyên làm công đoạn này có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Sau bước sơ chế, nan được đưa vào lò để sấy khô trong vòng 5 ngày trước khi đưa ra làm thành phẩm. Nguyên liệu đốt lò chính bằng các mấu cây và những đoạn thừa của nguyên liệu được loại ra trong quá trình sơ chế.


Xã Hợp Tiến hiện có 7 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ cây tre phấn. Trong đó có 4 hộ sản xuất với quy mô lớn, sản lượng bình quân đạt 5 - 6 tấn/tháng. Mỗi cơ sở tạo việc làm ổn định cho trên, dưới 10 lao động địa phương tùy theo quy mô sản xuất.