Tạo sinh kế từ cây dược liệu

05:05, 04/03/2021

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, Thái Nguyên có nhiều thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện trồng 187,5 ha các loài cây dược liệu: Cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, sạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân, sâm bố chính… (huyện Võ Nhai 105,1 ha; Đồng Hỷ 27,4 ha; T.P Sông Công 15ha; Đại Từ 30 ha; T.P Thái Nguyên 10 ha). Qua đó, vừa khai thác dược liệu theo hướng bền vững, góp phần bảo tồn nguồn gien, vừa tạo sinh kế cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Năm 2020, Ban Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai Mô hình trồng cây Cát sâm dưới tán rừng tại xã Sảng Mộc với 7 hộ dân tham gia, quy mô 3 ha. Đến nay, cây thích nghi tốt với môi trường, điều kiện đất đai, khí hậu, mở hướng thoát nghèo cho người dân.

Trung bình 1ha ba kích (khoảng 4.000 cây), thu hoạch được 6 tấn củ tươi. Với giá bán dao động từ 180.000-200.000 đồng/kg, bà con sẽ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/1ha. Trong ảnh: Mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng tại xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai.

Thu hoạch củ Đinh Lăng tại Hợp tác xã Hoa Trung (phường Bắc Sơn, T.X Phổ Yên).

Mô hình trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghệ sinh học nấm Phú Gia.

Lưu trữ và nhân giống dược liệu quý tại Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cung cấp cho các vùng trồng cây dược liệu.

Với thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, ngành Y tế đã tổng hợp được trên 240 vị thuốc y học cổ truyền tại các cơ sở khám, chữa bệnh với trên 300 tấn được sử dụng hàng năm.