Mùa Xuân về Hội Đuổm

15:10, 23/04/2007

Từ thành phố Thái Nguyên đi ngược lên phía Bắc Kạn chừng khoảng ba chục cây số, ta sẽ gặp ngôi đền Đuổm đứng ở trên một ngọn núi đá kỳ vĩ nằm sát bên đường.

Người dân ở các tỉnh lân cận xưa nay tương truyền rằng, đền Đuổm rất linh thiêng nên hàng năm từ mồng một tết khắp nơi tấp nập đổ về đây thắp hương cầu khấn. Hội đền Đuổm, người dân địa phương quen gọi là Hội Đuổm đã thực sự bắt đầu từ mồng một tết kéo dài đến hết tháng giêng, có khi sang tận tháng hai, tháng ba.

Đền Đuổm đã được nhân dân địa phương ở phủ Phú Lương (nay thuộc địa phân tỉnh Thái Nguyên) dựng lên từ thế kỷ 12 để thờ Dương Tự Minh, vị thủ lĩnh lừng danh của người Tày từng có công lớn trong việc dẹp yên giặc dã, giữ yên vùng biên viễn xa xôi phía bắc rộng lớn.

Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư còn để lại khá nhiều trang về vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh: “Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất (1127)... Tháng 12, Sao Thiên cẩu sa, có tiếng kêu như sấm . Đem công chúa Diên Bình gả cho thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh” ; “Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1142) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 12)... Mùa đông, tháng 10, sai thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy” ; “Quý Hợi, năm thứ tư (1143) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 13)... Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới đường bộ”; “Giáp Tí, năm thứ 5 (1144) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 14). Đem công chúa Thiều Dung gả cho Dương Tự Minh, phong Tự Minh làm Phò mã lang”...
Trong lịch sử Việt Nam chưa từng có vị thủ lĩnh nào như Dương Tự Minh, ông được triều đình nhà Lý hết sức nể trọng, hai lần nhà vua gả công chúa cho ông làm vợ. Ông không chỉ có uy phong ở địa vực do ông cai quản mà còn tỏ rõ sự can đảm khi vào Thăng Long tham gia chính sự, ông quyết ra tay trấn áp bọn gian thần, quan tham... Nhưng dù ông có được sử sách ghi nhận như thế nào đi chăng nữa cũng không bằng các câu chuyện truyền thuyết ca ngợi ông còn lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay.
Người tàng hình là một trong những câu chuyện kể về ông đầy thú vị. Ngay từ lúc còn nhỏ ông đã rất thương người nghèo và căm ghét bọn quan tham, cho nên mỗi ngày sau khi thả trâu vào rừng ông lại dùng phép tàng hình biến hoá thần thông vào kho báu của quan phủ trộm vàng bạc đem chia cho người nghèo. Bởi vì chiếc áo ông mặc trên người có một vết rách không biến hóa được hết nên bọn lính canh ngày ngày thấy một con bướm bay ra bay vào cửa phủ, mỗi lần như thế kho báu lại bị vơi đi. Nên chúng đã dùng lưới bủa vây bắt được Dương tự Minh đem nhốt vào trong ngục nhưng nhờ mưu trí thần thông nên ông đã trốn thoát. Sẵn lòng căm ghét bất công lại được nhân dân đồng tình ủng hộ nên ông đã tập hợp thanh niên trai tráng chống lại tầng lớp quan tham lúc bấy giờ.
Dương tự Minh là vị thủ lĩnh người Tày đã có nhiều công lao trong việc đem lại sự công bằng cho nhân dân lúc bấy giờ, không chỉ thế mà ông còn giúp dân khai khẩn đất đai xây dựng cuộc sống. Đặc biệt ông đã nhiều lần đập tan những âm mưu xâm lấn của giặc ngoài và dẹp yên các cuộc phản loạn ở nơi biên thuỳ, được nhân dân ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn... rất yêu mến và kính phục.
Trong cuộc đời làm thủ lĩnh của mình, Dương Tự Minh luôn tỏ rõ là một người chính trực, bản lĩnh, khí phách, thanh liêm, hết lòng vì nước cho nên sau khi ông mất đi người dân Phú Lương quê hương ông đã xây đền thờ để ghi nhớ công lao của ông, đó chính là ngôi đền Đuổm ngày nay . Không chỉ ở quê hương ông mà nhiều nơi thuộc vùng núi Việt Bắc còn dựng hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ khác để phụng thờ ông.
Hội Đuổm từ rất lâu đã đi vào đời sống tâm linh của người Tày và nhiều dân tộc khác trên vùng núi cao Việt Bắc. Ai là dân đất Việt mỗi khi về Thái Nguyên, Bắc Kạn cũng đều muốn ghé thăm đền Đuổm, thắp ném hương thơm để tưởng nhớ tới vong linh vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh , cầu mong ông phù hộ. Rất nhiều người sau khi đi dự Hội Đuổm về đã làm ăn trở nên giàu có, phát đạt, cửa nhà thịnh vượng, con cái đỗ đạt... Hội Đuổm ngày càng hấp dẫn hơn, linh thiêng hơn, số người đến dự hội cứ năm sau lại đông hơn năm trước, thực sự khơi dậy lòng tự hào của biết bao thế hệ. Tết đến, xuân về người ta lại rủ nhau đi hội Đuổm.