Theo truyền thuyết vào thế kỷ XI-XII (thời Lý Công Uẩn) có công chúa Dương Thị Huyền Trân sinh hạ được ba người con trai tuấn tú, tài giỏi, được dân trong vùng ngưỡng mộ, tôn thờ ở ba đình thuộc xã Tân Đức (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Người con cả thờ tại Đình Đức Long, con thứ thờ tại Đình An Mỹ và người con út thờ tại Đình Đông. Hiện nay, Đình chùa Đức Long xưa nay có tên Phi Long, thờ thành hoàng Dương Tự Minh.
Đình-chùa Đức Lân xưa thuộc tổng Đức Lân, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, một vùng đất bằng phẳng, rừng cây rậm rạp, giáp Thái Nguyên và Bắc Giang. Vào cuối thời Lê, đầu Nguyễn, Đình được xây cất để thờ Dương Tự Minh - thủ lĩnh phủ Phú Lương, người hai lần được các vua nhà Lý phong làm phò mã. Năm Đinh Mùi (1127) được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình. Năm Giáp Tý (1144) Dương Tự Minh lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung. Do có tài năng, đức độ, được dân tôn vinh dựng Đền Đuổm (Động Đạt, Phú Lương) thờ, khắp thượng hạ lưu sông Cầu và lục đầu giang đều có đền thờ ông và hai nàng công chúa.
Phi Long (rồng bay) phải chăng ví với người anh hùng Dương Tự Minh? Đình-chùa dần được tôn tạo thành công trình kiến trúc nghệ thuật, với lễ hội lớn trong vùng, được cấp 4 sắc phong thời Vua Tự Đức.
Kiến trúc Đình trước Chùa sau theo lối thờ "Tiền thánh hậu phật", mang phong cách kiến trúc nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Nghi môn Đình- Chùa Phi Long là 4 cột đồng trụ, được trang trí đắp nổi tứ linh "Long, Ly, Quy, Phượng", đỉnh cột đắp nổi hình con nghê đá ngồi chầu và hai câu đối: "Tiền thần giang thuỷ ngư văn kệ" và "Hậu phật tùng lâm điểu thính kinh".
Đình Phi Long kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J). Toà đại đình gồm 5 gian, 2 trái và 2 gian hậu cung. Đình có chiều dài 15m, chiều rộng 10m. Trên 4 góc mái đình, đao cong vút, trên nóc là "Lưỡng long chầu nguyệt" điểm xuyến hoa lá vờn áng mây.
Đình được kết cấu bởi 32 cột gỗ lim chắc khoẻ, dưới mỗi chân cột có tảng kê bằng đá xanh. Đình nhìn về hướng Tây nam, mái lợp ngói vẩy rồng, uy nghi, rực rỡ. Toàn bộ hệ thống cột, xà bằng gỗ lim, kết cấu mỗi vì 4 cột làm cho lòng nhà rộng. Bộ vì kèo Đình Phi Long làm theo kiểu "chồng rường giá chiêng". Đầu dư, kẻ, các thân xà, rường, đầu các rường nách, nghé, bẩy... chạm trổ tinh xảo, sinh động.
Thượng cung Đình nằm ở gian giữa, thờ thành hoàng làng Dương Tự Minh. Phía trước là đôi Quy cõng Hạc đứng chầu, hai hàng bát biểu cùng tàn, lọng, cờ, quạt... treo câu đối: "Thiên lộ lý triều bình Bắc Tống" và "Địa truyền thành tích trấn Nam Bang", và hai bức tranh khắc gỗ cổ sống động vẽ các quan văn, quan võ, mỗi người mỗi vẻ rất uy nghi...
Hậu cung đình là hai vệ sỹ đứng hầu gác, tầng trên thờ thần Hoàng có long ngai, bài vị, sắc phong, bình hương, đèn nến... bài vị ghi "Cao sơn quý minh thượng đẳng thần" - ngợi ca vị thần anh minh - Thánh Đuổm Dương Tự Minh.
Chùa Phi Long phía sau Đình, hầu như giữ được khá nguyên vẹn, gồm 5 gian kiến trúc kiểu cổ theo chuôi vồ hình chữ Đinh. Mái chùa lợp ngói vẩy rồng, "đao cong mái lượn"... Chùa có 19 pho tượng quý, các pho tượng được xây bệ thấp dần về phía trước: Bụt ốc đến Thích Ca, Quan Âm Thị Kính, tượng nghìn tay nghìn mắt, ông Thiện, ông Ác toát lên vẻ uy nghi. Đặc biệt còn đôi ba cây cổ thụ toả bóng mát. Đình còn lưu giữ các hiện vật quý: Sắc phong, hương án, câu đối, tranh tượng cổ... góp phần làm sáng tỏ nghệ thuật điêu khắc, lịch sử làng xã Việt Nam.
Thời tiền khởi nghĩa, tháng 2-1945 có Nguyễn Trung Hiền (tức Lương Xuân Đài) về Đình- Chùa Phi Long, tuyên truyền giác ngộ Cách mạng, thành lập đội tự vệ xã tại Đình, trong đó có cụ Dương Văn Lập và cụ Đào Thị Tròn, năm nay ngoài 80 tuổi tham gia... Tháng 6 -1945 tự vệ xóm Diễn và xóm ngoài, phối hợp với lực lượng vũ trang huyện đánh thuyền chở dầu lạc của địch tại kè Lữ Vân (giáp ranh hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang) tên Lê Hán Tân chỉ huy hai thuyền cùng 6 thuỷ thủ bị bắt sống cùng 8 thùng dầu lạc được đem về Đình Phi Long giao cho chính quyền cách mạng huyện Phú Bình. Cũng tháng 6- 1945, tại sân đình đã tổ chức (giao nhiệm vụ) cho 7 đồng chí tự vệ xã sáp nhập với lực lượng vũ trang đi đánh Phủ Phú Bình bắt được tên Nguyễn Đặng Tám, quan tri phủ cùng 12 lính. Vào cuối tháng 8-1945, tại sân Đình Phi Long diễn ra mít tinh chào mừng Cách mạng thành công, rồi biểu tình diễu hành, phản đối, lên án chính sách nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu, của phát xít Nhật, Ông Dương Văn Tô- Chủ tịch Việt minh lâm thời và Phó Chủ tịch Đào Văn Đức đặt trụ sở làm việc tại Đình. Sau 1945, Uỷ ban xã Đức Lân lại đặt tại Đình (đến 1972 mới chuyển đi.)
Tại Đình, lớp học xoá mù chữ đầu tiên sau ngày độc lập 2-9-1945 đã mở và có các lớp bổ túc văn hoá cho các cán bộ xã, thôn học. Các lớp học bồi dưỡng chính trị, kết nạp lớp Đảng viên: Đồng chí Dương Văn Phán, Đào Duy Lộc, Đào Minh Thư... Nơi đây còn đặt hòm phiếu cho các cử tri bầu cử Quốc hội khoá I... (1947-1952). Đình Phi Long là nơi công binh xưởng sản xuất vỏ lựu đạn, mìn và quân dụng... phục vụ cho kháng chiến chống Pháp.
Xã Tân Đức còn Đình Đông, Đình An mỹ, Nghè mẫu, Điếm làng cổ, cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở Thái Nguyên... đó chẳng đã là di sản văn hoá quý báu của dân tộc ta đó sao? Đình- Chùa Phi Long nằm ở trung tâm điểm quy hoạch của thị tứ, đậm nét thôn quê và phố mới, cận chợ, sông đào, cạch Uỷ ban nhân dân xã, không xa sân trường học... một "không gian mở" sống động hài hoà xưa và nay.
Vào ngày 07- 08 tháng giêng "lễ kỳ phúc đầu xuân", sau lễ cầu tài, cầu phúc mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, hội Đình Phi Long tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi dân gian. Ngày 12 - 9 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ (Hội lớn nhất hàng năm.) Nhân dân thập phương nô nức trảy hội. Buổi sáng, sau khi lễ đình, rước kiệu ở đình sang Nghè mẫu (cách đó khoảng 1,5km), trống giong cờ mở, rộn ràng, đến các trò chơi: ném còn, kéo co, chọi gà, hát chèo, hát tuồng... sôi động, và còn bóng đá, cầu lông, đá cầu... ở sân vận động cạnh Đình. Thu hút đông đảo nhân dân các xã thuộc huyện Phú Bình và huyện Yên Thế, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang)... Chưa hết, đến 10-10 âm lịch, dân góp gạo, rượu, thịt, tiền... để vui chơi kéo dài 3 ngày đêm, đại lễ mừng vụ mùa thắng lợi.
Vừa qua nhân dân trong vùng đã tụ hội mùa xuân tại Đình - Chùa Phi Long làm lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, tôn vinh một di sản văn hoá quý của dân tộc.