Lễ hội “Kin Pang Then” của dân tộc Thái trắng

10:55, 02/04/2008

Bản Kích, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La được biết đến với những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc của người Thái, và cùng với đó là lễ hội “Kin Pang Then” - lễ hội truyền thống của dân tộc Thái trắng.

Lễ hội “Kin Pang Then” là lễ hội tiêu biểu của dân tộc Thái trắng ở Quỳnh Nhai. “Then” ở đây là thầy mo được quan niệm là cao tay hơn cả; thầy mo được coi như người của trời được cử xuống trần gian để cứu giúp người khỏi bị ốm đau, bệnh tật và có khả năng giao tiếp với thần linh. Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm, thầy mo tổ chức lễ cúng và gặp mặt các con nuôi (đó là những người đã được thầy mo chữa cho khỏi bệnh).

 

Lễ hội “Kin Pang Then” được tổ chức với quy mô lớn, không những các con nuôi và người trong bản tham gia, mà còn nhiều dân làng ở bản khác cũng đến tham dự. Thời gian cúng có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tuỳ thuộc và số lượng con nuôi đến với “Then” nhiều hay ít. Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi người trong làng bản cùng dâng lễ cảm tạ đất trời và cầu xin sang một năm mới mọi điều may mắn và tốt lành đến với bản làng.

 

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội “Kin Pang Then” gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ với lối hát Then truyền thống. Qua lời hát, ông Then cầu cúng cho dân làng trong bản, trong mường sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt và cùng với đó là lễ tạ ơn của con cái đối với cha mẹ. Ngoài ra, “Kin Pang Then” cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu, là dịp để con cháu tạ ơn thầy trong dịp đầu năm mới. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.

 

Phần hội với những lời hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian lành mạnh như Trò mưa đá (là trò chơi ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt), trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xoè… đã tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút dân làng đến tham gia. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Và sau lễ hội, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.

 

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, gắn bó với tình làng, nghĩa bản. Trong bài cúng của ông Then có đoạn nhắc nhở và khuyên nhủ các con cháu rằng:

 

“…Được ăn ngon đừng quên mình

Được đi ngựa đừng quên thời đi bộ…”

 

Lễ hội “Kin Pang Then” là lễ hội mang tính cộng đồng cao, góp phần tích cực vào việc vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh. Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.