Trong những nghi thức vừa kỳ ảo, vừa huyền bí của nghi lễ đan xen với làn điệu Then cổ đã lôi cuốn hàng nghìn người cùng cộng hưởng trong niềm cảm xúc với tiếng đàn tính và làn điệu Then mượt mà.
Then cổ trong lễ cấp sắc
Gặp lại nghệ nhân Nguyễn Đình Tích của đoàn Bắc Kạn tại liên hoan lần này, nom ông trẻ hẳn ra, ông vui lắm. Ông Tích cho biết: “Bây giờ, khắp thôn, bản tôi đều vang lên tiếng đàn tính và điệu hát Then. Chúng tôi tự hào bởi văn hóa của dân tộc mình được khôi phục”. Trong ngày hội Văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức tại Bắc Giang lần này, ông Tích mang đến cho người xem một tiết mục độc đáo: “Suôi Sluông khảm hải” (Tìm người vượt biển). Từ sau Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính lần thứ II tổ chức tại Cao Bằng đến nay, Câu lạc bộ Then của ông Tích sáng lập đã tăng lên gần 50 thành viên trong đó đã quy tụ được nhiều thành viên trẻ tuổi và cả các cháu thiếu nhi. Hiện tại, ông Tích đang có hơn 10 học trò, độ tuổi từ 12 đến 15.
Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có mấy loại hình thể hiện với những chức năng chính. Đó là Then Kỳ Yên (cầu an); Then cầu mùa, Then chúc tụng; Then chữa bệnh; Then cấp sắc (Lẩu Then). Tại hội trại của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được nghe làn điệu Then cổ trong nghi lễ cấp sắc của bà Nông Thị Lìm, nghệ nhân then cổ cấp Quốc gia. Bà Nông Thị Lìm người dân tộc Tày, năm nay đã bước sang tuổi lục tuần nhưng giọng hát vẫn còn khoẻ và trong như nước suối ngàn. Mỗi khi bà cất tiếng hát là cả hội trại của xứ Lạng lại chật kín người vây xung quanh. Tới ngày hội văn hoá, bà mang đến tiết mục múa trầu và nghi lễ thăng sắc (Thăng quan tiến sắc).
Pháp sư đường tăng Hoàng Văn Đoàn là người chủ trì làm lễ phong sắc cho bà bày tỏ: Bà Lìm hiện tại đang ở cấp 5 lần này được phong thêm 2 cấp được 7 sắc. Từ 5 sắc trở lên là có đủ điều kiện cấp sắc và nhận đệ tử. Hiện tại bà Lìm đã có 6 đệ tử được bà cấp sắc. Lễ vật trong nghi thức cấp sắc gồm có một hũ gạo sống dùng hương cắm lên trên, một nải chuối và hoa quả, dải then tượng trưng cho con hạc là lễ vật không thể thiếu bởi nó chứng giám cho người được cấp sắc bay bổng. Trong số những ông thầy của người dân tộc Tày cũng được phân ra quan văn và quan võ. Quan văn là có thể viết được sớ bằng chữ nho, bắt buộc phải thông thạo chữ nho còn quan võ là những người chỉ biết đọc mà không cần phải biết viết. Ngày nay, những ông thầy văn và thầy võ ấy vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Nhiệm vụ của các thầy là làm việc từ thiện, giúp bà con họ hàng trong làng, bản dâng sao giải hạn. Nếu ai có làm việc sai với đạo lý cũng phải tìm đến các ông thầy, bà thầy chỉnh sửa…
Trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ phong sắc, bà Lìm vừa múa vừa hát những làn điệu Then quyết rũ làm đắm say lòng người tới xem. Bà Lìm trong trang phục sặc sỡ trước một bàn thờ hoa quả chuẩn bị công phu với khói hương nghi ngút là màn trình diễn uyển chuyển với những điệu múa và làn điệu Then cổ huyền bí, đầy mê hoặc diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ, thu hút hàng trăm người xem.
Để tiếng hát then, đàn tính ngân vang
Bà Nông Thị Lìm vốn là nghệ nhân đời thứ 5 của họ Vi. Bà cụ tổ là Vi Thị Sang đã trở thành người thiên cổ từ hơn 100 năm về trước. Ngày về làm dâu họ Vi, bà Lìm được ông bố chồng Vi Đoàn Thành truyền lại những làn điệu then mượt mà. Lời Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn Tính, nghe lời hát Then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình.
Hát then là tài sản chung của đồng bào Tày, Nùng, Thái - ba dân tộc sống chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc. Đàn tính tẩu - loại nhạc cụ hai dây được làm từ vỏ cây bầu, có âm thanh trầm ấm - hoà quyện với hát then hiện hữu trong đời sống như một nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu của người dân. Người ta gọi đàn Tính là đàn Then. Then là từ biến âm của chữ Thiên, (tức trời). Đàn Then là đàn trời cho các bà bụt (người chuyên sử dụng đàn Then vào việc cúng lễ). Tương truyền, trong một giấc mơ vàng, họ được ban cho cây đàn trời và dạy cho các bài hát Then. Do đó, tiếng đàn Tính, lời hát Then mới có sức lôi cuốn kỳ lạ đến như vậy. Tiếng đàn ngân nga, dìu dặt, đưa tâm hồn cả người già, người trẻ, con gái, con trai vào trạng thái bồng bềnh, chơi vơi, mơ màng, huyền ảo... ấy là tiếng đàn Tính và lời hát Then, đã cất lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ.
Thiếu nữ say mê hát then
Bảo tồn Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại đang là vấn để cấp thiết đặt ra. Hiện nay, Then đang tồn tại ở hai dạng chính: Then cổ (then tâm linh phục vụ việc hành nghề tín ngưỡng) và Then mới (then văn nghệ có cải biên, sáng tác dựa trên âm hưởng then cổ).
Lâu nay, chúng ta thường tổ chức các cuộc điền dã thu thập tư liệu từ các nghệ nhân, bảo tồn từ cách lưu giữ tư liệu để nâng cao, phát triển, nhưng lại chưa đánh giá đúng giá trị của các di sản. Các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng Nghệ nhân Then phải được coi là đối tượng quan tâm đặc biệt trong chương trình bảo tồn không gian nghệ thuật hát then, đàn tính. Về bản chất các thầy then là thầy cúng kiêm nghệ sĩ dân gian. Đây là hai yếu tố tuy hai mà một hòa quyện với nhau tạo thành một hình ảnh chân thực về nghệ nhân Then, một nét độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có.
Muốn bảo tồn nghệ nhân trước hết phải tôn trọng nguyên tắc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, muốn bảo tồn Then cổ cần bảo tồn nguyên bản môi trường và không gian của Then như nó đang tồn tại và diễn ra trong đời sống. Không thể bảo tồn nếu dẹp bỏ nghề của các ông bà Then bởi họ chính là linh hồn của Then. Vì vậy, nhiệm vụ của những người làm văn hóa cần phải tôn vinh những người giữ Then, có sự lựa chọn hạn chế những sắc thái mê tín. Việc tôn vinh gia đình dòng họ có truyền thống hát Then cũng rất quan trọng...
Nếu như việc bảo tồn Then nghi lễ có phần khó khăn phức tạp vì liên quan tới chính sách với nghệ nhân và tính chất công việc của họ thì việc bảo tồn phát huy diễn xướng Then mới có phần đơn giản hơn bởi các đối tượng tham gia đông đảo, trình diễn ở bất kỳ môi trường diễn xướng nào, truyền dạy với nhiều hình thức, sáng tác và phóng tác lời hát với những nội dung phong phú. Tuy nhiên, việc đổi mới và cách tân không có nghĩa là loại bỏ yếu tố nghi lễ, chính yếu tố nghi lễ mới làm cho con người gắn bó và say mê loại hình nghệ thuật này.
Trong những nghi thức vừa kỳ ảo, vừa huyền bí, nửa thực nửa hư của nghi lễ đan xen với làn điệu then cổ đã lôi cuốn hàng nghìn người cùng cộng hưởng trong niềm cảm xúc với tiếng đàn tính và làn điệu Then mượt mà. Có lẽ, ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc năm nay sẽ còn được nhiều người nhắc tới những làn điệu Then cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Đâu đó trong ký ức người xem vẫn còn vang lên những tiếng đàn tính và lời Then ngọt ngào: “Trai gái đi, hát cười vang bỗng dừng. Bảo nhau im lặng, bảo nhau nghe. Có bùa chăng! Dây tính hỡi say mê. Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy… Bản làng em nở trắng hoa lê. Long lanh nước trong xanh suối reo. Ném trái còn vui đón xuân sang. Tua ngũ sắc bay qua tay anh, tay nàng...”./.