Các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc có rất nhiều món ăn độc đáo, thể hiện bản sắc và đặc điểm sinh hoạt vùng, miền. Trong tất cả đặc sản của các dân tộc vùng cao, đặc trưng nhất vẫn là thịt hun khói. Nhưng có một đặc sản được khá nhiều người ưa chuộng, đó là món thịt trâu khô.
Vào dịp nhà mổ trâu, thường thường trong những ngày lễ, Tết, người trong nhà không quên dành ra một lượng thịt trâu bắp (hoặc thịt không có gân, thật tươi). Những gia vị đi kèm không thể thiếu trong chế biến thịt trâu khô là sả, gừng, tỏi, ớt khô, hạt mắc khén, nếu muốn ăn ngọt thì thêm đường.
Thịt trâu được lọc hết gân (nếu có), lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rộng khoảng 7- 8 cm, dài khoảng 15 cm, dày khoảng 2-3 cm, dần cho thật mềm. Người ta băm nhỏ sả, gừng, tỏi, ớt khô, hạt mắc khén (loại gia vị chỉ một số vùng mới có) giã nhỏ trộn đều, ướp thịt trâu với hỗn hợp gia vị đó, sao cho vừa đủ. Thời gian ướp khoảng 2- 3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều, không được để thịt sát than củi tránh bên ngoài thì bị cháy, bên trong lại không chín. Thịt được sấy như thế cho đến khi vừa chín, không nên sấy khô quá ăn sẽ bị dai và cứng, mất vị ngọt. Khi những miếng thịt trâu khô đã đượm mùi hấp dẫn rất riêng của nó, người ta gỡ ra bọc bằng giấy báo, nếu gia đình nào có điều kiện thì cho vào tủ lạnh để ăn dần. Còn với các hộ gia đình vùng cao vẫn đun bằng bếp củi thì họ sẽ treo lên trên gác bếp hun khói và ăn trong một thời gian dài. Khi ăn, lấy ra thì dùng đồ xôi đồ lại khoảng 20 - 30 phút là ăn được. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao Tây Bắc này.
Món ăn này rất phù hợp khi thưởng thức cùng bia và rượu trong những dịp tụ hội bạn bè, người thân, đặc biệt là trong những ngày lễ, Tết.