Đền Suối Mỡ

15:50, 19/04/2011

Đền Suối Mỡ thuộc khu di tích suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

 

Suối Mỡ là tên một con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh- Yên Tử, tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Suối thác, núi ngàn ở suối Mỡ như hoà vào nhau huyền ảo tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, của cây cối xanh mát soi bóng xuống khe suối trong vắt. Cảnh đẹp nhất nơi đây là đoạn suối có năm bậc thác mẹ con từ đền Thượng xuống đền Trung.

 

Đền suối Mỡ gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng nằm dọc theo bờ suối. Đền có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV- XVI) gắn liền với truyền thuyết “Thượng ngàn Thánh mẫu”, thờ bà chúa Thượng Ngàn (công chúa Quế Mị Nương, tương truyền là con gái thứ 10 của vua Hùng Đinh Vương). Hàng năm, vào ngày 30 tháng 3 và 1 tháng 4 âm lịch đều diễn ra hội đền với phần lễ trang trọng và phần hội đông vui, nhộn nhịp.

 

Tương truyền Quế Mỵ Nương là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm. Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ, đối diện có núi Hang rất cao, cây cối um tùm xanh mát quanh năm. Từ đây trở xuống suối Mỡ rộng dần, có nhiều thác lớn nhỏ. Đền Trung nằm ở hữu ngạn dòng suối này, trong không gian rộng rãi thoáng mát. Cạnh đó là dòng nước suối trong lành róc rách chảy suốt tháng ngày đổ ra cửa đền Hạ. Đây là ngôi đền có quy mô lớn, thu hút nhiều khách thập phương về lễ đền. Đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ không thể quên hình ảnh 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của Công chúa Quế Mỵ Nương khi ấn nhẹ sẽ tuôn ra dòng nước mát tưới cho đồng ruộng tốt tươi.

 

Thắng tích suối Mỡ còn có thác Thùm Thùm, Đấu Đong Quân, chùa Hòn trứng, chùa Hồ Bắc, đình Xoan, bãi Quần Ngựa…

 

Phong cảnh hữu tình gắn với những dấu tích xưa cũ hàng ngàn năm lịch sử, suối Mỡ được Bộ Văn hoá- Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào năm 1998. Hiện nay suối Mỡ đang được Nhà nước và tỉnh đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, hấp dẫn khách du lịch tham quan.

 

Trong ngày vào hội, tục giã bánh dày thờ của hàng hội diễn ra rất vui, rất nhộn. Người ta vừa giã bánh dày vừa nói vui: “của bà thì méo, của tôi thì tròn, giã trật hai hòn, thờ cô Tích Mễ”. Theo tục lệ, dân làng hội đến Suối Mỡ là dân tứ xứ. Các bà, các cô được dân sở tại cho rước trước ngày chính hội. Họ chia thành các đội ăn mặc quần áo rực rỡ, đội áo vàng, đội áo xanh, đội áo hoa, đội áo nâu, đội lại có mẫu hoàng yến. Đội nào cũng đoan trang cung kính cùng nhau rước lễ vào đền. Ngày rước hội là ngày rước của người dân sở tại. Làng Dùm có ngôi đình to cách đền hơn 1 km về phía đông. Tinh mơ dân làng và quan viên đã tế lễ ở đình. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước trống dong, cờ mở qua đền cây Xanh đến xế trưa mới tới đền Hạ.

 

Trong dịp hội, dân làng mở các trò vui chơi: vật, cờ bỏi, đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc…trong đó, bắn cung và võ dân tộc do người bản địa biểu diễn. Thi bắn cung được mở ở gần khu đền. Cung làm bằng gỗ dâu, néo dây căng. Tên là tre già và cứng, vát nhọn đầu, đuôi gấp mo tre làm cánh tên. Đích bắn làm bằng cót hay lấy mẹt vẽ hồng tâm. Người bắn đứng xa năm chục bước, tuỳ theo ban giám khảo quy định. Ai bắn trúng cả ba mũi tên vào giữa hồng tâm là thắng. Còn võ dân tộc thì có đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đao…. Tối đến nhà đều có tổ chức chầu văn. Các đội chầu văn được bố trí hát ở tiền đường. Thường thì dân làng sở tại ưu tiên cho các đội chầu văn hàng hội của Chí Linh, Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) biểu diễn cho dân và khách thập phương xem.

 

Khách đến hội đền Suối Mỡ rất đông. Trong đó có các bà, các cô, các mẹ, các chị chủ yếu đi lễ và xem hát chầu văn; Thanh niên nam nữ trẻ, chưa vợ hoặc chưa chồng thì đi bộ leo suối, leo núi. Các ông hương ẩm uống rượu, uống trà với các quan viên chức sắc sở tại. Rượu ở Nghĩa Phương xưa là rượu gạo, men nấu bằng ba gỗ, ty ô tre, rất thú vị. Chè ở Nghĩa Phương là chè ngon có tiếng, các nơi đều ưa dùng. Suối, núi ở Suối Mỡ hoà với nhau rất hữu tình.