Việt Phủ Thành Chương

15:34, 24/07/2011

Việt Phủ Thành Chương nằm ở xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội. Nằm trên quả đồi tựa lưng vào một nhánh chính của triền núi Sóc Sơn, Việt Phủ Thành Chương trải rộng hơn 10 ngàn mét vuông điền địa, thu hút đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế tới viếng thăm bởi trên từng mét vuông ấy có dấu ấn của hàng vạn hiện vật văn hóa - lịch sử từ các triều đại Đinh - Lý - Trần - Lê... mà họa sĩ đã sưu tầm, lưu giữ suốt cả đời mình..

Lần đầu đặt chân đến đây, không ai có thể biết rằng, 9 năm trước, toàn bộ diện tích 10.000 mét vuông của Việt Phủ chỉ là đồi trọc, đất cằn. Ý tưởng ban đầu của họa sỹ Thành Chương là tạo dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh thuần Việt dành riêng cho cá nhân và gia đình, thế nhưng, sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến đây mỗi năm.

 

 

Thành công của họa sỹ Thành Chương là đã tái hiện được một không gian rất Việt, từ nhà sàn, nhà Tường Vân, rồi nhà tranh vách đất. Hồ sen, hồ sung, cùng những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Tại mỗi điểm dừng chân, du khách được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật độc đáo, quý giá và những tác phẩm sơn mài của gia chủ - một họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian hiện đại Việt Nam đương đại.

 

Trong một không gian đậm văn hóa Việt, du khách còn được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân tộc. Có liền anh liền chị Kinh Bắc cất những lời ca mượt mà quan họ, ca trù – những di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO vinh danh. Và có cả những tiết mục rối nước tại nhà thủy đình với những tích trò quen thuộc.

 

 

Phía bên phải biệt phủ Thành Chương là một ngôi nhà sàn cổ, rộng hơn trăm mét vuông mà họa sĩ mua của đồng bào Mường vùng Hòa Bình, rồi thuê xe tải chuyên chở về. Trước mặt nhà sàn là một chiếc ao rộng với dãy lan can gạch quây xung quanh và một chiếc cầu đá cổ, đem đến vẻ tĩnh lặng của bóng nước thôn quê điền dã. Bên cạnh đó là một chiếc tháp cao 5 tầng được xây cất theo lối cổ, đứng sừng sững trên triền đồi mà từ xa năm sáu cây số người ta còn nhìn thấy. Chính giữa phủ là một ngôi nhà cổ rộng hơn 200m2 với những cột gỗ lim lớn đã được mua về từ một vùng quê Nam Định. Bên trái phủ là một khu nhà 5 tầng kiến trúc rất ngoạn mục, ẩn mình dưới những vòm mái cong theo lối đình chùa cổ, khu nhà mang cái tên khá thơ mộng là “Tường Vân” (Mây lành). Liền đó là nếp nhà Thủy Đình mộc mạc với những cánh cửa gỗ đã bạc màu thời gian. Điểm nhấn quan trọng, cái trục nối kết mang đến tinh thần văn hóa cho toàn bộ hệ thống kiến trúc ấy chính là quần thể tượng đá, tượng gỗ, tượng Phật, đồ đồng và gốm cổ được sắp đặt, bài trí trong nhà, ngoài sân có mặt khắp nơi trong trang phủ.