Đền Hùng - linh thiêng vùng đất Tổ

09:32, 22/08/2011

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân nước Việt, từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền Nam ra miền Bắc, không ai lại không có ý thức tìm về nguồn cội của mình. Từ mấy nghìn năm trước, Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã ra đời, mở ra trang hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc được hình thành từ truyền thuyết độc đáo cha Rồng, mẹ Tiên và bọc trăm trứng. Trải từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, nhớ về nguồn cội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, điểm hội tụ tinh thần đoàn kết dân tộc. Và, đất thiêng Nghĩa Lĩnh với đền thờ các Vua Hùng là nơi để mỗi người dân Việt Nam dù sinh sống giữa lòng đất Việt hay cách xa Tổ quốc luôn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"

Câu ca đậm đà tình nghĩa ấy đã  đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng về lòng tôn kính, biết ơn tiền nhân, hội tụ và gắn bó của người Việt Nam.

 

Đứng nơi cổng chính, đi qua hàng trăm bậc tam cấp sẽ lên đến Đền Thượng. Phía nam Đền Hùng có Làng văn hoá thời đại Hùng Vương, Trung tâm Hội chợ thương mại, Tháp Hùng Vương - biểu tượng kiến trúc độc đáo của dân tộc Việt Nam và đặc trưng các vùng miền của đất nước thu nhỏ về đây… Ngoài nơi thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta còn còn cho phép quy tụ những giá trị văn hoá tâm linh về vùng đất thiêng Đền Hùng. Đậm nét trong lòng dân là Đền Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Ngày nay con cháu Lạc Hồng mới có điều kiện xây mới ngôi đền Tổ Mẫu ở ngay nơi cha Rồng mẹ Tiên đã từng sinh sống và nuôi con khôn lớn. Đền Mẫu được xây dựng năm 2001 tại núi Vặn (Ốc Sơn), khánh thành năm 2005. Từ năm 2007 tới nay xây dựng thêm Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Qua truyền thuyết và thành tựu mấy chục năm nghiên cứu của ngành lịch sử, văn hoá, cùng sự kính ngưỡng đối với Tổ tiên đã thể hiện nét độc đáo của thời đại Hùng Vương trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của hai ngôi đền và hai pho tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên, đặc biệt là tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, khuôn mặt quắc thước, có thần khí, nhưng vẫn đôn hậu, nhân từ, năng lực siêu nhiên thống nhất sơn hà sáng toả.

 

 

 

Theo lối chính, du khách có thể lên thăm các đền trên núi Nghĩa Lĩnh (hay còn gọi là Núi Hùng). Núi Hùng với độ cao 175m so với mặt nước biển, như một cao điểm nằm giữa hàng trăm quả đồi như đàn voi chầu về Mộ Tổ. Phía đông là ngã ba Hạc, nơi tụ hội của hai dòng sông Thao và sông Lô ngày đêm chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ Bắc Bộ. Đền Hùng thành nơi “sơn chầu thuỷ tụ” dồi dào khí thiêng sông núi. Núi Hùng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, Hùng Sơn… Núi Hùng hiển hiện dáng hình đầu rồng hướng mặt về phía nam, mình uốn thành núi Văn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Hùng bốn mùa xanh tươi, cây cối cổ thụ thâm nghiêm, u tịch. Đỉnh núi Hùng là Đền Thượng. Tục truyền là nơi các Vua Hùng lập đàn cầu trời đất ban cho mưa thuận gió hoà, muôn dân no ấm. Đến đời Vua Hùng thứ sáu, khi có giặc ngoại xâm, vua lên cầu người tài giỏi xông pha giúp nước đánh đuổi giặc Ân. Về sau nhân dân lập bài vị các Vua Hùng để hương khói phụng thờ. Đền Hùng có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh Điện” (Điện cầu Trời), cũng có tên nữa là “Cửu Trùng Tiên Điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trước cửa Đền có bức đại tự đề - “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền Thượng vừa được tu bổ, tôn tạo bằng các vật liệu bền vững, cột được sơn son, các đồ thờ và hoành phi câu đối được thếp vàng, tạo cho ngôi đền thật sự bền vững, khang trang và linh thiêng. Bên cạnh Đền Thượng là cột đá, tương truyền do Thục Phán ( An Dương Vương) dựng lên thề với Vua Hùng thứ 18: “Sẽ đời đời trông nom miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của nhà Hùng truyền lại”. Gần Đền Thượng có Lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ sáu. Tại đây (năm 1740 – 1786) Vua Lê Hiển Tông đã đề thơ: “Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân tới phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”.

 

 

 Dưới Đền Thượng là Đền Trung (đang khởi lập việc tu bổ, tôn tạo); đây là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh, bàn việc nước. Đền Trung còn có tên là “Hùng Vương Tổ Miếu”. Theo truyền ngôn, đây là nơi Lang Liêu dâng vua cha bánh chưng, bánh dầy trong ngày lễ chọn cử nhân tài. Do tấm lòng hiếu thảo, Lang Liêu được Vua Hùng thứ sáu truyền ngôi trở thành Vua Hùng thứ 17. Dưới Đền Trung là Đền Hạ - Nơi mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng (tiền thân của dân tộc Việt Nam). Gần đền có ngôi chùa, tên xưa là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, sau đổi thành Thiên Quang Thiền Tự. Trước cửa đền có cây vạn tuế có tuổi thọ gần 800 năm. Dưới chân núi Hùng có Đền Giếng còn gọi là Giếng Ngọc. Giếng Ngọc là nơi hai con gái của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) là Ngọc Hoa và Tiên Dung thường soi gương, chải tóc. Nơi đây, tháng 9-1954, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ Đô, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cảnh quan khu ngã năm Đền Giếng và đường lên cổng Đền đang tiến hành tôn tạo, tu bổ, chỉnh trang… Tất cả sẽ tạo thành quần thể di tích, cảnh quan môi trường hấp dẫn du khách khi về vùng Đất Tổ.